 |
Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh là tránh được nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ. Ảnh: H.THI |
Tai nạn thương tích (TNTT) không chủ ý là mối đe dọa lớn nhất đối với sự sinh tồn của con người, trong đó có trẻ em. TNTT không chỉ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong cho trẻ em mà còn là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật, làm ảnh hưởng kéo dài, toàn diện tới cuộc đời của trẻ em về sau. Do tính nghiêm trọng trên, TNTT trẻ em đang được xem là vấn đề mang tính toàn cầu, không của riêng quốc gia nào.
Thực trạng
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong vòng 6 năm qua (từ năm 2005-2010), mỗi ngày trên thế giới có khoảng 2.000 gia đình phải rơi nước mắt vì sự “ra đi” của một đứa trẻ do TNTT. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong do TNTT là tai nạn giao thông (chiếm 31,3%); đuối nước (chiếm 21%), bỏng (chiếm 11,5%), ngã (chiếm 5,6%)... Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có trên 7.300 trẻ em trong độ tuổi từ 0-9 bị tử vong do TNTT, bình quân một ngày có 20 trẻ chết, chiếm tỷ suất tử vong ước tính ở mức 26,7/100.000 (năm 2010). Chỉ tính riêng ở tỉnh Bến Tre, trong năm 2010, đã có 9.175 cas trẻ em bị TNTT, trong đó có 8 cas đã tử vong. Số cas tử vong do TNTT nhiều nhất là đuối nước và tai nạn giao thông.
Theo tài liệu nghiên cứu về “Chương trình phòng chống TNTT trẻ em giai đoạn 2011-2015” của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), có 3 nhóm nguyên nhân chính gây ra TNTT cho trẻ em. Đó là sự non nớt của trẻ em; sự thiếu ý thức của người thân trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em; điều kiện môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNTT. Do còn non nớt về trí lực, đa số trẻ em không xác định được mức độ nguy hiểm của môi trường xung quanh và các trò chơi. Đối với trẻ từ 0-10 tuổi, do có vóc dáng nhỏ bé, tầm quan sát hạn chế nên nguy cơ bị TNTT là rất cao. Trẻ từ 10 -18 tuổi, do bản tính hiếu động, nghịch ngợm, thích khám phá thường có những hành vi nguy hiểm. Bản thân trẻ cũng chưa được gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng tránh hoặc xử lý các tình huống có thể gây ra TNTT. Trẻ em bị TNTT cũng có phần trách nhiệm của cha mẹ. Phần lớn cha mẹ chưa có ý thức đầy đủ về phòng chống TNTT cho trẻ em, chưa tạo cho trẻ thói quen phòng chống TNTT, trái lại còn vô ý tạo môi trường thuận lợi cho trẻ tiếp cận với các đồ vật có thể gây TNTT dễ dàng hoặc bất cẩn trong việc chăm sóc trẻ, đặt trẻ trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNTT. Thực tế cho thấy, không ít cha mẹ chở con tham gia giao thông mà không đội nón bảo hiểm cho trẻ, không tự giác chấp hành Luật giao thông mà phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ... Mặc dù nhà gần sông rạch nhưng cha mẹ lại để trẻ ở nhà một mình, không để ý việc tắm sông của trẻ... Năm 2010, ở Bến Tre, trong số 8 cas tử vong do TNTT thì có 4 cas tử vong vì tai nạn giao thông, 1 cas tử vong vì đuối nước. Trong quý 1-2011, trong số 12 cas tử vong TNTT thì có 8 cas tử vong vì đuối nước, 3 cas tử vong vì tai nạn giao thông.
Làm gì để kéo giảm TNTT cho trẻ em?
Như chúng ta được biết, TNTT đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong cho trẻ em. Nếu bị TNTT mà không tử vong, trẻ em cũng phải đối diện với nguy cơ tàn tật suốt đời, phải đối diện với sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển, nhất là trẻ em sống trong gia đình nghèo. Có thể nói, trong số các hậu quả về mặt xã hội thì hậu quả về mặt tinh thần là nặng nề nhất. Nỗi đau, vết thương lòng của cha mẹ, người thân mất con khó mà nguôi ngoai, nếu có chăng cũng phải mất hàng chục năm trường, có cha mẹ đã trở nên điên loạn do bị ám ảnh, hối hận vì cho rằng chính tay mình làm hại con mình. Bên cạnh đó, TNTT cũng đã gây hậu quả lớn về mặt kinh tế. Chi phí y tế cho việc chăm sóc trẻ em bị thương tật nặng hay khuyết tật hiện nay rất lớn. Nhiều gia đình đã lâm vào tình trạng khốn khó vì phải lo tiền chạy chữa, thuốc thang cho con hàng ngày.
Làm gì để giảm TNTT cho trẻ em? Cũng như các tỉnh khác trong nước, Bến Tre đã xây dựng kế hoạch phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2011-2015. Trong đó, kế hoạch đưa ra mục tiêu là từng bước hạn chế TNTT trẻ em; xây dựng môi trường cộng đồng an toàn, đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em; nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ và cộng đồng xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thông qua việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng về phòng tránh TNTT.
Để đạt được mục tiêu trên, Bến Tre sẽ tập trung các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về phòng, chống TNTT trẻ em trong nhân dân; triển khai, hướng dẫn các gia đình xây dựng “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” theo đúng tiêu chuẩn trong Quyết định số 548 của Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành vào ngày 6-5-2011, lồng ghép xây dựng “Ngôi nhà an toàn” vào xây dựng “xã, phường phù hợp với trẻ em”, hướng dẫn gia đình, cộng đồng xã hội áp dụng và thực hiện theo các tiêu chuẩn về “Ngôi nhà an toàn”, giúp cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết các mối hiểm họa xung quanh nhà, bên trong nhà có thể gây TNTT trẻ em. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các biện pháp phòng chống đuối nước ở trẻ em. Sắp tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch mở các lớp dạy bơi và các kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em, nhất là trẻ em ở vùng sông nước; thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống TNTT trẻ em cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp của ngành LĐ-TB&XH và một số ban ngành có liên quan như y tế, giáo dục, công an, Đoàn thanh niên...
Làm tốt công tác phòng, chống TNTT trẻ em cũng là cách góp phần thúc đẩy việc thực hiện các quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được sinh tồn và phát triển của trẻ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu “thiên niên kỷ về giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi” của Bộ LĐ-TB&XH, thúc đẩy việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước.