Hà Giang một tỉnh miền núi vùng cao, có đường biên giới dài trên 277km, tiếp giáp với 2 tỉnh của Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam; có 10 huyện, 1 thị xã với 195 xã, phường, thị trấn (trong đó có 112 xã đặc biệt khó khăn); có 22 dân tộc sinh sốngtrên đại bàn tỉnh (trong đó dân tộc Mông chiếm 31,5%, Tày 26%, Dao kinh 12%) với trên 69 vạn dân,… 6 tháng đầu năm, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) tại Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Giang đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Bằng nhiều hình thức phong phú, các cấp chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên tổ chức tuyên truyền phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn.
Quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy được quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân, động viên sức mạnh vật chất và tinh thần của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, ổn định chính trị, tăng cường đoàn kết, xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể trong sạch vững mạnh… Quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với cải cách hành chính được các cấp, các ngành, các đơn vị được tiến hành đồng bộ. Ngoài việc ứng dụng thực hiện cơ chế giao dịch “một cửa”, hầu hết các xã, phường thị trấn đều thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính, các khoản phí, lệ phí, đóng góp của nhân dân, công khai các phương án sản xuất. Việc giải quyết các thủ tục hành chính như: cấp giấy phép xây dựng, đăng ký kinh doanh, địa chính, hộ tịch, hộ khẩu, chứng thực và các chế độ cho các đối tượng chính sách đã được công khai hóa. Nhiều thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn, giảm bớt phiền hà cho nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Các cấp, các ngành thường xuyên gắn việc thực hiện nhiệm vụ với Cuộc vận động và đề ra các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Các phong trào thi đua đợc triển khai với nội dung cụ thể, thiết thực gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị như: Lực lượng Công an với phong trào “Xây dựng lực lượng công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, Liên đoàn Lao động với phong trào “Công nhân, viên chức thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Tổ chức học tập các chuyên đề “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” và tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chuyên đề về tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân gắn với cải cách hành chính…
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” hướng đến kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống công tác dân vận, nhiều mô hình hoạt động thiết thực có hiệu quả đã động viên được tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và trở thành các phong trào thi đua yêu nước, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu chính đáng. Hệ thống Dân vận, Mặt trận, các đoàn thể đã thể hiện được vai trò tham mưu cho các cấp ủy đảng, nhà nước giải quyết kịp thời bức xúc trong nhân dân… Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì, đạt 9,17%, trong đó nông, lâm nghiệp tăng 5,48%; công nghiệp, xây dựng tăng 6,5%; du lịch, dịch vụ tăng 12,64%; thu ngân sách đạt trên 2.171 tỷ đồng; an sinh xã hội được thực hiện tốt, an ninh, trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo, tình hình biên giới ổn định, ngăn chặn kịp thời các vụ việc phát sinh. Phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc tuyên truyền đạo trái pháp luật, mua bán phụ nữ, bắt có trẻ em, buôn bán tiền giả và mua bán, tàng trữ ma túy… Công tác giáo dục, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số KHHGĐ, phòng chống dịch bệnh đạt được nhiều kết quả. Đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 6.500 lao động nông thôn (đạt 58% kế hoạch), đào tạo nghề trung cấp cho trên 1.600 người (đạt gần 138% kế hoạch), giải quyết việc làm cho gần 6.500 lao động (đạt 46% kế hoạch). Hoàn thành việc xây dựng đề án giảm nghèo nhanh và bền vững cho 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và triển khai xây dựng phương án giảm nghèo cho 35% xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận chính quyền trong 6 tháng đầu năm của Hà Giang vẫn còn những hạn chế, như: tổ chức và hoạt động của hệ thống Dân vận còn chậm đổi mới so với sự phát triển của xã hội; nội dung, phương thức tập hợp, vận động quần chúng còn biểu hiện hành chính hóa, hình thức, thiếu hấp dẫn; có nơi chưa nhạy bén, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và những vấn đề bức xúc nảy sinh trong quần chúng nhân dân…
6 tháng cuối năm, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt chú trọng đến quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sản xuất thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; đổi mới phương thức hoạt động công tác dân vận, hướng về cơ sở, bám sát địa bàn, nắm chắc địa hình, lấy địa bàn thôn, bản, tổ dân phố để hoạt động; tiếp tục triển khai phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, các cơ quan hành chính sự nghiệp…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hà Thị Khiết đã biểu dương những kết quả ầm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang đã đạt được trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là công tác dân vận. Đồng chí nhấn mạnh, những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân Hà Giang đã đạt được thể hiện sự quyết tâm chính trị, thể hiện sự đoàn kết nhất trí cao trong Đảng bộ, sự đồng thuận của đồng bào 22 dân tộc anh em.
Đồng chí Hà Thị Khiết nêu rõ: Hà Giang vẫn là tỉnh nghèo. Để thoát nghèo, ngoài sự giúp đỡ của Trung ương, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở đại phươg cần phải năng động, sáng tạo và chủ động trong mọi công việc, trong đó cần coi trọng là trong công tác dân vận. Để dân tin, dân yêu, dân theo, tất cả cán bộ, đảng viên đều phải làm tốt công tác dân vận. Đặc biệt, cán bộ ở cơ sở là những người hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với dân nên càng phải chú ý hơn đến công tác này...Đồng thời, các cấp chính quyền phải có chính sách chăm lo cho dân. Trong đào tạo cán bộ phải ưu tiên tuyển chọn cán bộ người dân tộc, thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng...Đặc biệt, cần chú trọng làm tốt công tác dân vận chính quyền, tránh và khắc phục tình trạng cửa quyền, hách dịch, thiếu tôn trong nhân dân...
Trước khi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Giang, nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7), đồng chí Hà Thị Khiết đã đến đặt vòng hoa và viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.