Làng chài Thạnh Phong

26/01/2019 - 21:39

Ráng chiều đỏ quạch phía chân trời cũng là lúc người dân làng chài Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú bắt đầu lục đục kéo về, kẻ bưng, người vác những thành quả sau một ngày mưu sinh vất vả với nghề hạ bạc. Không biết từ bao giờ người dân làng chài này bắt đầu làm nghề nhưng theo mấy người cao niên nơi đây cho rằng từ khi sinh ra, lớn lên rồi cứ theo truyền thống gia đình là đi biển để mưu sinh.

Tàu đánh bắt của ngư dân làng chài Thạnh Phong. Ảnh: Hữu Hiệp

Tàu đánh bắt của ngư dân làng chài Thạnh Phong. Ảnh: Hữu Hiệp

Gian truân chuyện mưu sinh

Trời bắt đầu nhá nhem tối là lúc công việc lên hàng cũng sắp kết thúc, nơi bến tàu, ngoài cánh đàn ông đi biển về thì còn có thêm người già, trẻ con và phụ nữ. Tất cả cùng tạo nên một không khí làng chài đầu xuân thật rộn ràng, ấm áp.

Tôi ngồi chờ đợi tàu về trong căn chòi lá lụp xụp của ông Bảy Thảo, một cụ già đã ngoài 80 tuổi cũng đang trong tâm trạng chờ đón đứa cháu từ biển trở về. Bên ly trà nóng, ông Bảy Thảo ngồi trầm ngâm sự đời. Nghề hạ bạc này tuy rất dễ kiếm ra tiền nhưng đôi lúc cũng chua chát khôn cùng. Nhớ hồi bão số 9 (năm 2007) ập vào đã tàn phá nhiều nhà cửa, hoa màu của bà con làng chài này. Thú thật, cái mất mát lớn nhất là gia đình ông có tới 3 đứa cháu ra đi không ngày trở lại. Ông Bảy Thảo nói rồi nhìn ra xa xăm với ánh mắt đượm buồn. Qua ánh đèn điện hắt lên xuyên qua kẽ lá căn chòi, tôi nhìn rõ mặt ông nên không khỏi chạnh lòng. Già rồi, sắp gần đất xa trời nhưng lúc nào ông Bảy Thảo cũng nuôi niềm hy vọng về một ngày nào đó cuộc đời của ngư dân vùng làng chài này sẽ đổi thay.

Chú Tư Diệu, người hàng xóm với ông Bảy Thảo thấy nhà có khách nên cũng đến bắt chuyện. Gần Tết mà, có người lạ từ nơi xa đến chú Tư Diệu cũng phải góp vài câu chuyện về làng chài cho vui. Chú Tư Diệu năm nay 73 tuổi, vừa “gác kiếm” chia tay với nghề hạ bạc để đứa con trai lớn là anh Thanh Dũng tiếp tục nối gót cha được hơn 6 năm nay. Chú Tư Diệu trước đây ở tận đất mũi Cà Mau, sau khi cưới vợ mới theo về xứ Thạnh Phong heo hút này sinh sống. Chú Tư Diệu bảo rằng, hồi mới về đây, chú không hình dung nổi cuộc sống cơ cực của vùng quê hẻo lánh này. Hồi đó, đường sá khó khăn, nhà cửa lèo tèo, đâu đâu cũng nhà tranh vách lá tạm bợ, ai muốn sang làng bên cạnh đều nhờ vào ghe xuồng. Vất vả quá, người ta bỏ đi hết, cả làng chài này chỉ còn vài hộ bám trụ mưu sinh. Bây giờ thì khác rồi, nhà nhà san sát, bầu bạn ghe chài đến ngày một đông. So với những nơi khác, cuộc sống ở làng chài tuy còn khó khăn nhưng người dân sống chân tình, đùm bọc.

Đang mải mê trò chuyện với ông Bảy Thảo, chú Tư Diệu thì đứa cháu gái ông Bảy Thảo cũng vừa nướng mấy con khô biển bưng lên. Nhìn mấy con khô lạt với dĩa mắm me tôi không thể nào nhịn được. Ông Bảy Thảo đưa tay bóc một con bỏ vào chén tôi, một tay bưng ly rượu đế mời tôi với vẻ chân tình. Ông Bảy bảo rằng, không về đây thì thôi, còn về rồi cứ coi như người trong nhà vậy! Nói rồi ông Bảy hỏi thăm gia đình, cuộc sống của tôi nơi phố thị. Ông Bảy trầm ngâm giây lát rồi bảo: “Cuộc đời mà! Mỗi người mỗi phận. Mừng là bà con nơi đây giờ đã có cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều rồi. Nội cái chuyện có điện là làng chài này mãn nguyện, đâu như trước đây đêm xuống tối thui, chỉ có vài ánh đèn dầu leo lét”.

Chú Tư Diệu nói với tôi rằng, nhiều năm trở lại đây, bà con mình ăn Tết có phần tươm tất hơn vì có nhiều nguồn thu nhập ổn định từ trồng dưa, trồng xoài, nuôi tôm và làm nghề hạ bạc.

Niềm vui của ngư dân

Anh Nguyễn Văn Hải, một thủy thủ của làng chài vừa lên hàng xong cũng phấn khởi góp vui bằng những câu chuyện thường ngày ở làng chài. Anh bảo, nghề hạ bạc tuy có cực nhọc, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng nhưng quen rồi. Anh đang cùng với mấy người bạn thuyền tranh thủ những ngày cuối năm đánh bắt thật nhiều để còn chuẩn bị lo cho gia đình ăn Tết. Nghề này khó làm giàu nhưng đã giúp anh đủ sức nuôi đứa con gái lớn học đại học ở TP. Cần Thơ, đứa con thứ học cấp 3 trường huyện. “Ở làng chài này, Tết đến không lo thiếu mồi, cứ ra biển thì không có cái này cũng có cái kia. Điều đáng quý là chính quyền địa phương luôn quan tâm đến cuộc sống người dân, Tết năm nào cũng có nhiều đoàn đến thăm, tặng quà cho người dân ăn Tết”.

Một đêm sống cùng làng chài, hôm sau tôi có dịp trò chuyện với vợ chồng anh Võ Ngọc Bé, là chủ Công ty TNHH MTV sơ chế thủy sản Phát Huy nằm sát cạnh làng chài. Anh Bé cho hay, vợ chồng anh từ nghề nuôi tôm biển rồi dần dà chuyển sang làm nghề sơ chế đặc sản biển. Trước đây, người dân làng chài sau khi đánh bắt về đều bán cho thương lái ở nhiều nơi đến thu mua. Thấy vậy vợ chồng anh mở cơ sở chế biến các sản phẩm thủy sản với sự hỗ trợ vốn từ Dự án AMD Bến Tre. Hiện cơ sở đã lên công ty và trung bình mỗi tháng mua nguyên liệu của người dân làng chài khoảng 15 tấn, thành phẩm khoảng 7 tấn, gồm nhiều loại như cá đù, bông lau, lưỡi trâu, phèn, mực các loại.

Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong Hồ Văn Doi cho biết: “Trước đây làng chài có rất đông ngư dân làm nghề đánh bắt thủy hải sản nhưng những nghề này cũng bị giảm dần do một số bà con gần đây đã chuyển nghề hoặc đi nơi khác làm ăn sinh sống. Tuy vậy cũng còn rất nhiều bà con bám trụ với nghề. Hiện làng chài còn khoảng 60 tàu đánh bắt, sản lượng đạt  gần  2 ngàn tấn mỗi năm. Đa số đều hoạt động ổn định, có thu nhập tương đối khá. Nhiều hộ gia đình đã khá lên, có của ăn của để, mua sắm thêm tàu mới cùng trang bị ngư cụ hiện đại hơn.

Rời làng chài Thạnh Phong trong buổi sớm mai đầy nắng ấm, trong tôi bỗng dâng lên cảm xúc như có gì níu kéo bởi nét dung dị, hiền hòa đặc trưng của những con người mưu sinh nơi vùng biển mặn. Qua bao thăng trầm của cuộc sống vẫn giữ cho mình nhịp sống yên bình như một nét riêng giữa một Thạnh Phong đang từng ngày phát triển.

Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN