Lặng thầm những đóa hoa vùng biển

05/03/2010 - 08:56
Các chị vẫn ngày ngày gắn bó với công việc làm cá khô.

...Dù tuổi đời chênh lệch nhưng lại rất thân nhau, và nếu nói họ là chị em thì cũng không có gì là sai, dù rằng các chị chẳng họ hàng gì nhau cả. Có lẽ, chính từ trong hoàn cảnh khó khăn đã đưa các chị gần nhau hơn, thấu hiểu - thông cảm và san sẻ cho nhau để cuộc sống phần nào vơi đi cái khó...

Bắt đầu một ngày làm việc từ tờ mờ sáng và kết thúc lúc mặt trời mất dạng, những người phụ nữ ấy cười hờ khi nghe nhắc đến ngày 8-3: “Thì cũng bình thường như mọi ngày thôi, phải đi làm kiếm tiền lo cơm nước cho mấy đứa nhỏ”. Các chị- những người phụ nữ nơi vùng ven biển với nghề chế biến thủy sản vẫn cần mẫn lao động, mưu sinh với bao nhọc nhằn. Và với họ, những đóa hoa, những món quà, hay đơn giản chỉ là lời chúc trong ngày Phụ nữ 8-3 là những điều rất đỗi xa lạ.
Đến ấp 2, xã Bình Thắng (Bình Đại) trong những ngày đầu tháng ba trời nắng như đổ lửa, từ xa, chúng tôi đã thấy lóm nhóm người- phần đông là phụ nữ- đang tất bật với công việc phơi cá làm khô. Giữa trưa, mùi cá khô xông lên đậm đặc nhưng điều gây chú ý những người khách mới đến đây lại là những tiếng nói cười râm ran, vui vẻ. Khi biết việc chúng tôi đến tìm hiểu để viết bài cho ngày 8-3, một chị cười tươi như vỡ lẽ: “Mấy cô thông cảm, tụi tui ở đây mần riết rồi quên, không để ý ngày tháng gì nữa hết, vì lễ lộc gì thì cũng mần chứ đâu có nghỉ ngày nào đâu, nên nhiều khi tới lễ gì cũng không biết nữa”. Thoáng quan sát, tôi nhận ra những vất vả trong cuộc mưu sinh của họ hiện rõ ở từng chi tiết- những đôi chân trần chai sạn, những chiếc nón lá và những bộ quần áo đã ngã màu. Thế mà, có không ít chị đã quá nửa đời người vẫn chưa một lần nhận được món quà mình vẫn hằng mong ước, đó chính là một cuộc sống no đủ để bớt phần lo toan.
“Tui làm nghề này đã mười mấy năm rồi, không nhớ rõ nữa, trung bình ngày kiếm được ba - bốn chục ngàn tiền công, đi làm mướn mà, đủ sống là mừng lắm rồi”- vừa trò chuyện, đôi tay vẫn thoăn thoắt sắp xếp cá phơi lên giàn, chị Đoàn Thị Gọn tâm sự. Chị có chồng là thương binh, cũng là “dân đi biển”, cả hai đứa con gái của chị (đứa lớn 18 tuổi, đứa nhỏ 16 tuổi) đều sớm rời ghế nhà trường để theo mẹ “học nghề” làm cá khô mong kiếm thêm chút tiền trang trải trong gia đình. Quanh năm quần quật với con cá, con khô, những ngày nghỉ hiếm hoi được mẹ con chị tận dụng để dọn dẹp nhà cửa, sửa lại mớ đồ bị hư, lỉnh kỉnh trong nhà. Mà có phải được nghỉ là chị vui đâu, bởi những lúc đó là chủ vựa không mua được cá, cũng có nghĩa là chị thất nghiệp và dĩ nhiên, ngày đó chị không tìm được đồng nào. Chị cũng như những chị em ở đây không ai muốn điều đó diễn ra thường xuyên. Chị Trang Thị Khoắn (36 tuổi) đã có gần 20 năm theo nghề chế biến cá khô, thổ lộ: “Nếu có mong ước thì mình cũng như mấy chị ở đây mong ngày nào cũng có cá để làm kiếm thêm tiền. Bốn đứa nhỏ của mình còn đang đi học, mình không làm thì tiền đâu mà lo đây”. Vâng, chúng tôi hiểu, đó là những mong ước rất đỗi đời thường của các chị khi cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Những nụ cười, niềm vui hiếm hoi với các chị đơn giản chỉ là những câu chuyện phiếm khi ngồi xúm xít cùng làm bên vựa cá. Hay đó là những ngày kiếm được thêm mươi ngàn nữa, có tiền đóng học phí cho thằng con, mua thêm được vài ký gạo trong nhà… thì lúc ấy, những nụ cười lại sáng bừng lên trên gương mặt sạm màu vì nắng biển của các chị.
Có một điều đặc biệt, ở đây, các chị dù tuổi đời chênh lệch nhưng lại rất thân nhau, và nếu nói họ là chị em thì cũng không có gì là sai, dù rằng các chị chẳng họ hàng gì nhau cả. Có lẽ, chính từ trong hoàn cảnh khó khăn đã đưa các chị gần nhau hơn, thấu hiểu - thông cảm và san sẻ cho nhau để cuộc sống phần nào vơi đi cái khó. Chủ vựa cá- bà Võ Thị Lanh cho biết: “Hầu hết  mấy chị em ở đây ai cũng nghèo, cùng xúm xít làm với nhau như vậy đã mấy năm rồi nên thân nhau lắm, rồi chị em giúp đỡ qua lại, coi như người trong nhà”. Đưa chị em ca nước uống, cho mượn đỡ chiếc nón lá, gỡ dùm cái gai cá vừa đâm vào tay… đó là “chuyện thường ngày”, nhưng lại là hình ảnh tôi cảm nhận từ các chị là tình chị em, tình chòm xóm, tình người. Chị Phan Thị Hưởng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Thắng cho biết: Toàn xã hiện có 2.248 hội viên phụ nữ, trong đó, hơn 60% hội viên theo nghề chế biến thủy sản (làm cá, phơi khô, xẻ mực, đan lưới, vá cào…). Xã hiện còn 210 hộ nghèo (phần lớn hộ nghèo có phụ nữ làm chủ gia đình), hiện còn 34 hộ đang khó khăn về nhà ở. Để hỗ trợ cho các chị em trong hộ nghèo, Hội Phụ nữ xã đã giới thiệu cho các chị vay các nguồn vốn từ: Ngân hàng Chính sách  - Xã hội, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng NN&PTNT, vận động các chị khá giúp chị em nghèo, tổ chức cho các chị tham gia vào các tổ nghề nghiệp... 
Rời Bình Thắng, chúng tôi mang theo những câu nói mộc mạc và hình ảnh chịu thương, chịu khó trong cuộc mưu sinh của các chị - những người phụ nữ bình dị, chưa một lần nhận được hoa, quà, hay lời chúc trong ngày 8-3. Nhưng với tôi, tất cả những phụ nữ, trong đó có các chị - những đóa hoa nơi vùng ven biển - đều xứng đáng để được nâng niu, trân trọng.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích