Đoàn công tác tỉnh tham quan, trao đổi về quy hoạch xây dựng cảng biển nước sâu tại Sóc Trăng

14/08/2022 - 15:48

BDK.VN - Tiếp theo chuyến công tác tại Kiên Giang và Cà Mau, ngày 14-8-2022, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cùng đoàn công tác đã có buổi gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về quy hoạch xây dựng cảng biển Trần Đề (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề), hệ thống giao thông của tỉnh kết nối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ và đoàn công tác tỉnh Bến Tre làm việc tại tỉnh Sóc Trăng về vấn đề quy hoạch xây dựng cảng biển nước sâu, hạ tầng giao thông liên vùng.

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ và đoàn công tác tỉnh Bến Tre làm việc tại tỉnh Sóc Trăng về vấn đề quy hoạch xây dựng cảng biển nước sâu, hạ tầng giao thông liên vùng.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác của tỉnh có Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào, cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Sóc Trăng. 

Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển theo Quyết định 1579 của Thủ tướng Chính phủ, cảng biển Trần Đề có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, container lên đến 100.000 tấn, tàu hàng rời đến 160.000 tấn. Cảng biển Trần Đề có diện tích khu cảng khoảng 550ha, với cầu cảng vượt biển dài 16km. Ngoài ra, còn có khu dịch vụ logistics, hậu cần cảng với diện tích khoảng 4.000ha, các khu công nghiệp sau cảng.

Dự án sẽ thu hút hàng xuất nhập khẩu trực tiếp từ các cảng thuộc vùng sông Hậu và bán đảo Cà Mau, với khoảng 10-11,2 triệu tấn/năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận chuyển nhiên liệu cho các nhà máy điện của khu vực.

Trao đổi với đoàn công tác Bến Tre, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đang khẩn trương đẩy mạnh triển khai các thủ tục cần thiết nhằm mời gọi đầu tư cảng biển Trần Đề bằng hình thức xã hội hóa. Cụ thể, khi đầu tư vào dự án, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi.

Hiện nay, ĐBSCL có nhu cầu xây dựng một cảng biển nước sâu để trực tiếp xuất nhập khẩu hàng hóa của các tỉnh trong vùng. Với dự án cảng biển nước sâu và hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, Sóc Trăng sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng của khu vực, tạo đột phá chung cho cả vùng ĐBSCL, trong đó có Bến Tre.

Dịp này, lãnh đạo hai tỉnh Bến Tre - Sóc Trăng hứa hẹn sẽ liên kết trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với định hướng phát triển của vùng theo chủ trương của Chính phủ về liên kết phát triển ĐBSCL.

Tin, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN