|
Công nhân thực hiện dây chuyền may túi xách tại Công ty TNHH Một thành viên Pung Kook Bến Tre. |
Ngoài việc góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển, các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp còn giải quyết đáng kể lực lượng lao động tại địa phương. Tuy nhiên, gần đây, có nhiều thông tin cho rằng, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không tuyển lao động nam.
Tính đến nay, ở Khu công nghiệp (KCN) Giao Long và An Hiệp (Châu Thành) đã có 17/28 dự án thứ cấp đi vào hoạt động, số còn lại đang xây dựng (5 dự án) và làm mới các thủ tục, do mới cấp giấy chứng nhận đầu tư (6 dự án). Tổng vốn đầu tư đăng ký đến nay đạt trên 6,5 ngàn tỷ đồng (quy đổi), trong đó có 12 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 1,65 ngàn tỷ đồng và 16 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký khoảng 250 triệu USD. Trong số 17 doanh nghiệp đi vào hoạt động tại hai KCN thì có 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giải quyết trên 15.000 lao động (tính đến tháng 8-2012), với mức thu nhập bình quân trên 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện, tại KCN Giao Long, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô sản xuất lớn và giải quyết nhiều lao động cần phải kể đến là: Công ty TNHH Một thành viên FASV (5.182 lao động), Công ty TNHH May mặc Alliance One (4.663 lao động) và Công ty TNHH Một thành viên Pung Kook Bến Tre (3.566 lao động). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhất là trên địa bàn huyện Châu Thành xuất hiện nhiều thông tin cho rằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không tuyển lao động nam (đặc biệt là lao động nam có hộ khẩu tại huyện Châu Thành), hoặc có tuyển thì cũng rất ít. Đối với lao động nam hết thời hạn hợp đồng lao động thì các doanh nghiệp này không tái ký hợp đồng.
Theo lời kể của Nguyễn Văn Thạnh (xã Phú An Hòa), người từng làm việc cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hiện nay, một số các doanh nghiệp ở KCN không còn tuyển nam vào làm việc nữa. Anh Thạnh cho biết: Cả hai vợ chồng tôi đều làm việc cho công ty nước ngoài ở KCN Giao Long. Thu nhập hàng tháng cũng đảm bảo trang trải cho gia đình. Nhưng khi hợp đồng của tôi hết thời hạn thì công ty cho nghỉ với lý do là không có nhu cầu sử dụng lao động, còn vợ tôi thì được tái ký hợp đồng.
Lân la đến các khu nhà trọ gần KCN Giao Long, chúng tôi được biết, hầu hết các chủ nhà trọ đều nói rằng ở đây các doanh nghiệp không tuyển nam, đặc biệt là đối với nam ở Bến Tre. Một anh chủ nhà trọ cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài ở đây không tuyển nam đâu. Hết hạn hợp đồng là các doanh nghiệp cho nghỉ. Vì thế, ở các phòng trọ của anh hiện nay chỉ toàn là nữ thuê. Nam cũng có nhưng rất ít. Lúc trước, phòng trọ của anh cũng có vài thanh niên ở lại vài tháng với hy vọng kiếm được công việc mới, sau khi không được tái ký hợp đồng. Cuối cùng, họ cũng phải đi nơi khác để tìm việc.
Theo số liệu thống kê từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, trong những tháng đầu năm 2012, lực lượng lao động ở một số doanh nghiệp tại KCN biến động không cao. Riêng, Công ty TNHH Một thành viên Pung Kook Bến Tre có số lượng công nhân nghỉ khá nhiều, với số lượng 955 người; trong đó có nhiều nguyên nhân như: công ty không tái ký hợp đồng, nghỉ vì hoàn cảnh gia đình...
Lý giải về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Pung Kook Bến Tre cho biết: Do đặc thù công việc đòi hỏi cần phải có sự tỷ mỷ, khéo léo nên đa phần công việc phù hợp với nữ hơn. Hiện lực lượng công nhân của công ty có tỷ lệ nữ chiếm khoảng 80%. Trong thời gian qua, số lượng công nhân cũng có biến động, do một vài nguyên nhân, trong đó có một số công nhân xin nghỉ do hoàn cảnh gia đình, có một số trường hợp chúng tôi không tiếp tục tái ký hợp đồng lao động, vì họ thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như không chấp hành tốt các nội qui, quy chế của công ty. Trong quá trình sử dụng lao động, đối với mỗi công nhân, chúng tôi đều có tổ chức theo dõi, đánh giá về ý thức chấp hành kỷ luật, tính chuyên cần trong công việc… Từ đó làm cơ sở đánh giá và đi đến quyết định có tiếp tục ký hợp đồng nữa hay không. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng lao động, chúng tôi nhận thấy rằng, đa phần các lao động nam đều không có ý thức chấp hành kỷ luật tốt như các lao động nữ, thường xuyên vi phạm nội quy của công ty cũng như không siêng năng trong công việc, dẫn đến năng suất không cao.
Ý kiến của đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Pung Kook Bến Tre cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài e ngại khi tuyển lao động nam vào làm việc. Không những các nhà tuyển dụng lao động mà một số chủ nhà trọ cũng có cùng chung ý nghĩ như vậy. Cô Bảy (chủ nhà T.X ở xã Phú An Hòa, Châu Thành) bày tỏ: Nhà trọ của cô có tổng cộng là 30 phòng nhưng tất cả người thuê ở đây đều là nữ. Lúc trước, cô cũng có cho nam thuê ở nhưng sau đó thì không. Bởi cho nam thuê rất phức tạp, nhất là lúc say xỉn rồi quậy phá, đánh nhau… gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Từ thực tế cho thấy, hình ảnh lực lượng công nhân nam ở các KCN đang dần mất đi thiện cảm đối với một số nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận rằng, không phải tất cả nam công nhân nào cũng có ý thức kém trong việc chấp hành nội quy của công ty, lười biếng trong công việc và thường hay quậy phá. Để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân, thiết nghĩ cần có những lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật hay những cuộc tọa đàm dành riêng cho đội ngũ công nhân, qua đó giúp họ ý thức hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, đồng thời dần hình thành tác phong công nghiệp trong lao động sản xuất.