Lê Hữu Thái lập nghiệp bằng nghề truyền thống

16/10/2007 - 22:18

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do cơ sở của anh Thái sản xuất.

Là Ủy viên BCH xã đoàn, Bí thư chi đoàn ấp 10, Tân Thạch (Châu Thành), Lê Hữu Thái (sinh năm 1985) luôn góp sức đẩy mạnh phong trào thanh niên đua học tập, lao động sáng tạo, phát triển kinh tế để nâng cao đời sống cho bản thân và tạo điều kiện cho các đoàn viên, thanh niên vượt qua nghèo khó.

Năm 1995, Hữu Thái nhận làm công cho cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Thấy đời sống bà con trong ấp khá lên từ nghề truyền thống, Thái cũng muốn thử sức mình. Năm 2001, Thái cùng gia đình tạo dựng một cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Với 20 triệu đồng khởi nghiệp cùng một cơ sở diện tích 250 m2. Ngoài việc đặt mục tiêu phấn đấu, Thái không ngừng học hỏi, ứng dụng kỹ thuật vào qui trình sản xuất. Nhờ vậy, các đơn đặt hàng đều được đảm bảo. Với Thái, muốn ăn nên làm ra, chủ cơ sở phải biết chịu khó tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng. Thái tâm sự: Nghề này cần lắm óc sáng tạo. Vì vậy, ngoài làm ra những sản phẩm theo mẫu mã khách hàng lựa chọn, Thái còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới, độc đáo thu hút khách hàng, nhất là mặt hàng lưu niệm.

Hiện cơ sở Thái có trên 25 sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ làm bằng gỗ dừa, gáo dừa. Đa số là đồ dùng trang trí, vật dụng gia đình. Nhiều điểm du lịch sông nước, sinh thái ở Tp. HCM, các tỉnh ĐBSCL đã đến cơ sở Thái để đặt hàng. Đây còn là địa chỉ cung cấp sản phẩm cho siêu thị Quang Đại (Tiền Giang, Bến Tre). Ăn nên làm ra, cơ sở hàng thủ công mỹ nghệ của Thái dần dần được mở rộng, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều thanh niên trong xã, với mức thu nhập trên dưới 800.000 đồng/tháng. Riêng Thái, thu lãi trên 40 triệu đồng/năm.

Anh Lê Hữu Thái với công việc của mình

Dù đam mê công việc nhưng với Đoàn, Hội, Thái luôn có tinh thần trách nhiệm. Thái xác định, để tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn, Hội, điều trước tiên là tạo điều kiện thuận lợi cho họ về vật chất lẫn tinh thần. Bản thân là trụ cột chi đoàn, Thái luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, đặc biệt là phong trào lập thân lập nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả để tạo công ăn việc làm cho đoàn viên, thanh niên trong ấp, xã.

Với những gì đạt được, Lê Hữu Thái đã được bình chọn đi dự Giải thưởng "Lương Định Của" toàn quốc năm 2007.

<

Bài, ảnh: Huỳnh Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN