 |
Tổng thư ký Liên đoàn Ảrập Amr Moussa (phải) và Ngoại trưởng Lebanon (ảnh AFP) |
Tổng thư ký Liên đoàn Ảrập đã
rời Lebanon hôm 13/1 sau khi không thuyết phục được các chính trị gia đối lập ở
nước này nhất trí về một kế hoạch bầu tổng thống mới và chấm dứt cuộc khủng
hoảng chính trị ngày càng sâu sắc.
Sau bốn ngày hội đàm tại Lebanon, ông Amr Moussa nói rằng tình hình ở Lebanon
vẫn ’’nghiêm trọng’’ và hứa quay trở lại Beirut trong vài ngày tới để tiếp tục
thảo luận với chính phủ Lebanon do phương Tây hậu thuẫn và phe đối lập thân
Syria. ’’Vẫn còn hy vọng chừng nào chúng ta còn cố gắng’’, ông nói.
Tổng thư ký Liên đoàn Ảrập đã tới
Beirut hôm thứ tư để thảo luận về việc thực thi một kế hoạch mà ngoại trưởng các
nước Ảrập nhất trí thông qua tuần trước. Kế hoạch này kêu gọi bầu tư lệnh quân
đội Lebanon, Tướng Michel Suleiman, làm Tổng thống, thành lập một chính phủ
thống nhất dân tộc và thông qua một đạo luật bầu cử mới.
Nhiều người đã hy vọng việc Syria sẵn
sàng ủng hộ kế hoạch này sẽ làm phe đối lập do Hezbollah đứng đầu từ bỏ các yêu
sách, chẳng hạn như quyền phủ quyết các vấn đề lớn trong nội các. Tuy nhiên, Chủ
tịch quốc hội, Nabih Berri, một đồng minh của phe đối lập, đã hoãn cuộc bỏ phiếu
bầu tổng thống vào hôm thứ sáu - lần trì hoãn thứ 12.
Saad Hariri, lãnh đạo phe đa số trong quốc hội, nói rằng Lebanon đang trải qua
giai đoạn rất khó khăn và nguy hiểm. Ông đã kêu gọi phe đối lập tạo điều kiện
cho cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống tại quốc hội. ’’Sáng kiến của Liên đoàn Ảrập là
rất rõ ràng. Điều quan trọng là bắt đầu thực hiện sáng kiến đó bằng việc bầu
tổng thống mới bởi cuộc bỏ phiếu này là cơ sở của toàn bộ sáng kiến đó’’, ông
nói.
Tổng thống Ai Cập, Hosni Mubarak, đã
cảnh báo rằng các nước Ảrập sẽ không thể giúp Lebanon nếu các phe nhóm đối địch
ở nước này không đạt được thỏa hiệp chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện
nay.
Lebanon không có tổng thống kể từ khi
nhiệm kỳ của Tổng thống Emile Lahoud thân Syria kết thúc hôm 23/11, đẩy nước này
vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến 1975-1990.
Chính phủ của Thủ tướng Fuad Saniora đã đấu tranh quyền lực với phe đối lập
trong hơn 1 năm qua.
Mặc dù cả hai phe đều ủng hộ Tướng
Suleiman song họ vẫn bất đồng về việc sửa đổi hiến pháp để cho phép người đứng
đầu quân đội trở thành tổng thống. Họ cũng chưa thể nhất trí về một yêu cầu của
phe đối lập đòi quyền phủ quyết trong chính phủ về các vấn đề lớn.