Liên hợp quốc, Pháp thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Libya

10/03/2020 - 13:45

Ngày 9-3-2020, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry thảo luận về những tiến triển trong cuộc khủng hoảng ở Libya, sau khi đặc phái viên của LHQ tại Libya, Ghassan Salame từ chức mới đây.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trong cuộc điện đàm, TTK LHQ và Ngoại trưởng Ai Cập đều nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng bổ nhiệm đặc phái viên mới của LHQ tại Libya – là người sẽ được tất cả các phe phái ở Libya chấp nhận.  

Đặc phái viên của LHQ tại Libya, ông Salame đã từ chức hôm 2-3-2020 vừa vì lý do sức khỏe. Ông Salame đã nỗ lực đưa các phe phái đối địch ở Libya ngồi vào bàn đàm phán và giúp tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Libya. 

Cùng ngày 9-3-2020, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc gặp Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu quân đội miền Đông Libya (LNA), trong đó ông Hafta khẳng định sẽ ký kết và tuân thủ ngừng bắn với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) chừng nào các lực lượng ủng hộ GNA cũng cam kết điều này.

Theo nguồn tin từ Phủ Tổng thống Pháp, trong cuộc gặp kéo dài 1 giờ tại Paris, Tướng Haftar khẳng định “sẵn sàng ký văn kiện ngừng bắn, nhưng cam kết này sẽ chấm dứt nếu lực lượng GNA không tôn trọng thỏa thuận”. 

Về phần mình, ông Macron yêu cầu lực lượng của Tướng Hafta dừng phong toả các cảng xuất khẩu dầu chủ chốt của Libya ảnh hưởng đến nguồn thu chủ chốt của quốc gia Bắc Phi này.

Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận về việc nước ngoài can thiệp quân sự vào cuộc xung đột tại Libya. Tại Hội nghị quốc tế về Libya được tổ chức ở thủ đô Berlin (Đức) hồi tháng 1 vừa qua, các bên nhất trí chấm dứt sự can thiệp của lực lượng nước ngoài vào tình hình Libya, đồng thời thông qua lệnh cấm vận vũ khí đối với nước này. Bất chấp kết quả hội nghị, bạo lực gia tăng ở Libya. Lực lượng thân LNA đã phong toả các cảng xuất khẩu dầu, khiến nguồn thu duy nhất của Libya bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, vũ khí vẫn được đưa trái phép vào Libya bất chấp lệnh cấm vận.

Chính quyền Paris ủng hộ nỗ lực của LHQ thúc đẩy đàm phán giữa các phe đối địch tại Libya. Tuy nhiên, hiện Tổng thống Pháp chưa có kế hoạch làm việc với Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj. Tháng 5 năm ngoái, ông Macron đã có các cuộc gặp riêng rẽ với Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj và Tướng Hafta. 

Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. GNA hoạt động ở thủ đô Tripoli được LHQ công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar đứng đầu quân đội miền Đông được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp. Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4-2019, Tướng Haftar bắt đầu các cuộc tấn công vào thủ đô Tripoli. Quân của Tướng Haftar đã kiểm soát nhiều khu vực của Libya, trong khi GNA chỉ kiểm soát một phần nhỏ của đất nước.

TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN