 |
Các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, thông tin cần thiết hỗ trợ cho doanh nghiệp. |
“Mua có bạn, bán có phường” là câu nói có từ rất xa xưa. Qua kinh nghiệm và quá trình đúc kết sâu sắc, ông bà ta đã chỉ ra rằng, muốn mua bán kinh doanh thì cần phải có sự tập hợp, đoàn kết, san sẻ, hỗ trợ nhau giữa những người mua bán, gọi một cách đúng nghĩa là bạn.
Trong xu thế hội nhập toàn
cầu, câu nói này vẫn khẳng định vai trò, ý nghĩa quan trọng và là một yêu cầu bức
thiết đặt ra cần thực hiện có hiệu quả và không thể chậm trễ được nữa.
Thành lập Câu lạc bộ
Doanh nghiệp dẫn đầu
Thấy được yêu cầu cấp thiết này, tỉnh đã có chủ trương
thành lập Câu lạc bộ (CLB) Doanh nghiệp (DN) dẫn đầu ở các lĩnh vực kinh tế chủ
yếu của tỉnh. Ông Nguyễn Minh Cảnh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, sở
đã lập danh sách các DN đề xuất tham gia CLB. Ý nghĩa CLB là có trách nhiệm dẫn
dắt, hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng DN nhỏ và vừa của tỉnh để cùng nhau
phát triển ổn định, ngày càng lớn mạnh. Vì thế, DN tham gia CLB trước tiên phải
là DN của doanh nhân có tâm huyết, hoài bão lớn. Đây cũng là những DN đứng hàng
đầu về năng lực sản xuất, kinh doanh trên từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm, tính
cạnh tranh, thị phần trong và ngoài nước, có uy tín và trách nhiệm xã hội.
Theo đó, sở đã lập danh sách DN dự kiến mời tham gia CLB
tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như: chế biến dừa, thủy sản, chế biến, xuất
khẩu nông sản, may mặc. Mỗi lĩnh vực dự kiến mời từ 3 - 4 DN tham gia. Sở Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ngành tổ chức vận động DN tham gia CLB
trong tháng 5-2017.
Từ trải nghiệm thực tế, một doanh nhân ngành lương thực
hoạt động trên địa bàn tỉnh đã chỉ ra rằng, chỉ có liên kết và hỗ trợ với nhau
thì mới có thể giảm được các chi phí nội tại, chi phí phát sinh đột biến, điều
tiết giá thành ổn định, đảm bảo nguồn nguyên liệu, duy trì sản xuất thường
xuyên. Trả lời cho câu hỏi tại sao phải liên kết, doanh nhân ngành lương thực
nhận định, ngành gạo đang giảm sút trầm trọng, ngày càng tụt hậu, chậm phát triển
so với các nước trong khu vực từ giống, kỹ thuật, công nghệ sản xuất, chất lượng
sản phẩm cho đến khâu quảng bá sản phẩm... Muốn cạnh tranh để tồn tại, DN phải
liên kết trực tiếp với nông dân, xây dựng chiến lược lâu dài và gắn với phát
huy vai trò của các tổ chức, hiệp hội ngành hàng.
“Tôi rất đồng tình với chủ trương liên kết, xây dựng CLB
DN dẫn đầu của tỉnh để làm đầu tàu dẫn dắt, tập hợp những DN khác của tỉnh. Tôi
cho rằng không chỉ dừng lại liên kết trong tỉnh. Vấn đề là doanh nhân phải liên
kết, hoạt động như thế nào chứ không thể mang tính chất phong trào. Góc độ nhà
nước định hướng DN hoạt động đi vào thực chất” - đại diện Công ty Lương thực Bến
Tre cho biết.
Phát triển các mô
hình kinh tế
Tương tự với trái bưởi da xanh, chủ một cơ sở thu mua và
xuất khẩu bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh cũng khẳng định: Liên kết trong tình
hình hiện nay là rất cần thiết. Cần phải tập hợp sức mạnh giữa các cơ sở, DN để
cùng với người nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hoạch định về
diện tích, sản lượng, thống nhất quy trình sản xuất để có chất lượng sản phẩm đồng
nhất, phân bố thu mua và thị trường tiêu thụ. Có như thế mới đảm bảo sự ổn định
và phát triển bền vững. Để làm được điều này, Nhà nước phải “nhúng tay” vô, tạo
điều kiện để DN gắn kết.
Một DN khởi nghiệp ngành dừa ở huyện Châu Thành chia sẻ:
“Tôi am tường về kỹ thuật. Điều tôi cần là những người có cùng ý tưởng giống tôi
sẽ tập hợp lại và liên kết với nhau để hỗ trợ tôi những mặt hạn chế. Cũng như
các thành viên sẽ bổ sung, tăng cường thế mạnh để cùng nhau khởi nghiệp và đạt
được kết quả tốt nhất”.
Việc liên kết giữa các DN cùng lĩnh vực, ngành hàng sẽ
phát huy thế mạnh riêng lẻ, tập hợp sức mạnh tổng thể, nâng bước cùng bước phát
triển. Khẳng định tính tất yếu của liên kết là vậy. Nhưng ở tỉnh ta, thời gian
qua, từng DN còn giữ kẽ vì chưa có được tiếng nói chung, chưa có cơ hội ngồi
chung với nhau thường xuyên để từng bước trao đổi, gắn kết và đưa ra chiến lược
phát triển chung.
Tại điểm hẹn “Cà phê DN” lần thứ 3 của tỉnh, ông Cao Văn
Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ ra yêu cầu cần phải tập hợp các DN ngành dừa
trong tỉnh hiện nay theo cách vận dụng bài học “bó đũa” mới có thể phát triển ổn
định, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu. Đó là câu chuyện
không của riêng ngành dừa.