Liên kết nông dân trong sản xuất

07/10/2016 - 06:36

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật vừa sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, với các đầu việc: thực hiện Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, Dự án cải tạo vườn tạp kém hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả.

Theo đó, Chi cục phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời, Viện Cây ăn quả miền Nam xây dựng chuỗi giá trị bưởi da xanh tại tỉnh, gồm 132 hộ tham gia, với diện tích đăng ký trên 70ha. Mô hình liên kết sản xuất được thực hiện trên cây lúa, cây ăn trái và cây dừa. Cụ thể, mô hình cánh đồng mẫu trên cây lúa có trên 580ha, tập trung ở huyện Ba Tri, Giồng Trôm và Bình Đại. Ngoài ra, mô hình lúa sạch ở xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú có diện tích 100ha; liên kết sản xuất chôm chôm ở các xã Sơn Định, Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách với 300ha; liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ dừa ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm với 1.600ha và xã Hữu Định, huyện Châu Thành với 300ha…

Đối với Dự án cải tạo vườn tạp kém hiệu quả, Chi cục phối hợp với Hội Nông dân tỉnh (đơn vị chủ trì thực hiện Dự án) tiến hành điều tra. Qua đó, tổng diện tích vườn tạp kém hiệu quả cần cải tạo là 1.736ha, tương ứng với 5.580 hộ, trong đó có 10% hộ nghèo và 50% hộ cận nghèo.

Theo ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay, Dự án cải tạo vườn tạp mới chỉ dừng lại ở kết quả khảo sát. Hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả chưa có kết quả cụ thể. Bước đầu, Chi cục đã tổ chức 1 lớp tập huấn cho các đại lý thuốc bảo vệ thực vật, thẩm định cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thanh tra cơ sở kinh doanh giống lúa ở các huyện Thạnh Phú và Ba Tri, thanh tra diện rộng các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN