Liên kết, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng

15/12/2014 - 07:21

Nhờ liên kết, lượng khách du lịch đến Bến Tre ngày càng tăng cao. Ảnh: Hữu Hiệp

Liên kết du lịch giữa các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh là một trong những xu hướng phát triển bền vững của ngành du lịch hiện nay. Thời gian qua, các tỉnh trong khu vực tập trung khai thác thế mạnh của mình nhưng qua đó cũng bộc lộ nhiều hạn chế nhất định. Đặc biệt, là nhiều sản phẩm du lịch của các tỉnh bị trùng lắp, làm cho khách du lịch ngày càng nhàm chán.

Để ngành du lịch phát triển bền vững, các tỉnh bước đầu có sự liên kết tạo tour, tuyến mới với sản phẩm mới hiệu quả hơn. Sau đây là cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Đồng Khởi với Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Văn Luông chung quanh nội dung trên.

* Xin ông cho biết đôi nét nội dung liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh Cụm phía Đông đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua?

- Qua một năm triển khai thực hiện Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và Bến Tre, bước đầu đã đạt được kết quả khả quan. Phòng chức năng của các tỉnh thường xuyên phối hợp trao đổi về quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch của các tỉnh trong cụm. Các tỉnh trong cụm trao đổi việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch tại địa phương; cung cấp thông tin về quy hoạch, dự án phát triển du lịch, dự án kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện các tỉnh cùng tham khảo. Các trung tâm trao đổi, học tập kinh nghiệm xúc tiến, phối hợp tham gia hội chợ, triển lãm, biên soạn tài liệu quảng bá du lịch, bản đồ du lịch 4 địa phương. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của các tỉnh ký kết các chương trình, hợp đồng liên kết phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp; ký kế hoạch hợp tác xúc tiến du lịch giữa các trung tâm.

Bốn tỉnh đã cùng phối hợp tham gia Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch quốc tế tại Hà Nội - Hội chợ VITM Hanoi và Hội chợ Thương mại - Du lịch trong khuôn khổ Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014; hợp tác xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi địa phương, các tour, tuyến và liên tuyến đưa khách đến các tỉnh trong cụm; có kế hoạch cho các doanh nghiệp lữ hành đồng hành cùng các trung tâm trong hoạt động xúc tiến. Phối hợp, tổ chức đoàn khảo sát cho từng tỉnh để giới thiệu sản phẩm du lịch của từng địa phương nhằm quảng bá, tiếp thị du lịch cho các doanh nghiệp lữ hành các tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp tại các địa phương liên kết, hợp tác để phát triển tuyến, tour du lịch nhằm gắn kết các điểm du lịch, khu du lịch của các tỉnh.

* Theo ông, liên kết nối tuyến, tour du lịch của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có gì mới?

- Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn các tỉnh đã ký kết các chương trình hợp tác, hợp đồng song phương giữa các doanh nghiệp 4 tỉnh trong Cụm duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch Bến Tre đã ký kết liên kết với các doanh nghiệp các tỉnh.

Thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã giới thiệu sản phẩm du lịch của 4 tỉnh, tạo sản phẩm phong phú, đa dạng và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Qua việc tham gia chương trình liên kết phát triển du lịch, các doanh nghiệp có tổng thu từ khách du lịch tăng 12%.

 Sau một năm liên kết, kết quả bước đầu rất khả quan, lượng khách đến các tỉnh đều tăng. Cụ thể, năm 2013, Bến Tre có trên 800 ngàn lượt khách, doanh thu 495 tỷ đồng; năm 2014, có 900 ngàn lượt khách, tăng 12%, doanh thu 560 tỷ đồng; Tiền Giang năm 2013 có 1,3 triệu khách, doanh thu 327 tỷ đồng; năm 2014 có 1,386 triệu lượt khách, tăng 15%, doanh thu 376 tỷ đồng...

* Những vấn đề cần rút ra trong liên kết, tạo sản phẩm đặc trưng trong ngành du lịch là gì, thưa ông?

- Việc liên kết đã tạo được nhận thức trong đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, cơ quan xúc tiến du lịch, các doanh nghiệp của 4 tỉnh về quan điểm liên kết phát triển du lịch. Cùng đoàn kết tạo sức mạnh tổng hợp phát triển du lịch, xóa bỏ tư tưởng “cát cứ lãnh thổ”, tư tưởng cạnh tranh không lành mạnh trong quá trình hoạt động kinh doanh. Tạo được kênh hữu ích trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý, xúc tiến du lịch, góp phần tích cực cho việc định hướng phát triển du lịch, quy hoạch, xây dựng sản phẩm của mỗi địa phương. Tạo ấn tượng mới cho ngành du lịch của các tỉnh trong cụm, đa dạng hóa về loại hình và sản phẩm du lịch, tạo được sự quan tâm nhiều hơn và thu hút được đông đảo du khách đến với cụm. Việc liên kết được sự quan tâm và đánh giá cao của Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long và Tổng cục Du lịch.

 Quá trình trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động mang tính nghiệp vụ và liên kết tổ chức tham gia sự kiện giữa các tỉnh trong cụm đã làm thay đổi diện mạo của cụm. Qua đó, thể hiện tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng lên, tạo được sự quan tâm của khách tham quan đến các tỉnh trong cụm nhiều hơn, hiệu quả quảng bá cao hơn và đã tiết kiệm chi phí trong công tác xúc tiến du lịch.

Đặc biệt, tạo hiệu quả khả quan trong quảng bá sản phẩm, tour, tuyến, điểm du lịch của các tỉnh tham gia. Làm cầu nối cho các doanh nghiệp du lịch của các tỉnh liên hệ mật thiết, trao đổi thông tin, liên kết trong khai thác và phục vụ khách du lịch. Đồng thời, tạo thêm mối quan hệ với các đối tác mới thông qua các sự kiện, khảo sát, hội chợ, hội thảo…

* Xin cảm ơn ông!


Hữu Hiệp (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN