 |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Bảo (bên trái) trao bằng khen cho VĐV Nguyễn Duy Bằng. |
Trong những ngày giáp Tết Kỷ Sửu 2009, nhân dịp kiện tướng Nguyễn Duy Bằng về quê hương Bến Tre dự lễ Tuyên dương các VĐV đạt thành tích xuất sắc năm 2008 và nhận bằng khen của UBND tỉnh về việc lần thứ 2 liên tiếp anh giành HCV Đại hội Thể thao sinh viên ĐNA, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thân tình với anh.
Dường như vì lòng tự trọng, anh cứ lảng tránh mỗi khi được đề cập xoay quanh vấn đề: Liệu Duy Bằng có trở lại Đội tuyển quốc gia (ĐTQG) nếu những giới chức có trách nhiệm với điền kinh Việt Nam (ĐKVN) gạt qua những định kiến trước đây và cho anh thêm một cơ hội?
Hôm ấy, trông Duy Bằng chững chạc hẳn, xúng xính trong bộ trang phục của ĐTQG ngày nào khi bước lên lễ đài Trường Năng khiếu TDTT Bến Tre để nhận bằng khen từ chính tay Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Bảo. Nhiều cá nhân khác đoạt HCV Đông Nam Á cũng vừa được khen thưởng nhưng cả hội trường vẫn lặng đi giây lát, xúc động vì ai nấy như cảm thấy xa cách Duy Bằng từ rất lâu, các thế hệ VĐV trẻ nhìn anh với ánh mắt đầy ngưỡng mộ. Ít người trong các em hiểu được rằng phía sau cái vẻ tất bật của một trong những “thần tượng” ĐKVN một thời chính là vì nỗi lo toan về gánh nặng mưu sinh cho gia đình cặp vợ chồng trẻ Duy Bằng - Ngọc Tâm, họ vừa phải đi học (Trường Đại học Sư phạm TDTT.TPHCM), vừa chạy vạy đi làm để kiếm sống giữa đất Sài thành rộng lớn…
Mới mấy hôm trước, Liên đoàn ĐKVN đã gửi công văn số 135/LĐĐKVN (ngày 8-12-2008) đến Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành về việc lấy ý kiến cử HLV, VĐV tập trung tập huấn đội trẻ, đội tuyển ĐKQG năm 2009. Trong danh sách dự kiến của Liên đoàn, người ta thấy ở nội dung nhảy cao nam chỉ có những cái tên VĐV như Trần Công Phước (SN 1988, Thừa Thiên - Huế), Lữ Bé Cần (1988, Sóc Trăng) chứ tuyệt nhiên không có Nguyễn Duy Bằng. Ngay sau đó, Sở VH-TT&DL Bến Tre đã có công văn phúc đáp gửi Liên đoàn ĐKVN, đề nghị cho phép tập trung kỷ lục gia nhảy cao nam VN Nguyễn Duy Bằng vào ĐTQG tham dự SEA Games 25 và ASIAN Indoor Games 3–2009.
Được biết, sau một số rắc rối dẫn đến hiểu lầm vì cho rằng Duy Bằng bị… “bệnh ngôi sao”, cố tình làm mình làm mẫy mà lúc ấy ít người chịu nghĩ phần vì còn vướng chấn thương dây chằng dai dẳng nơi gót chân dậm nhảy, phần chuẩn bị lập gia đình, rồi nỗi lo cho tương lai bấp bênh… nên anh đã có những phát biểu không “thuận tai” với một vài vị lãnh đạo đội tuyển QG và kiên quyết xin thôi không tham dự SEA Games 24 – 2007. Nhưng nhờ có Phó Chủ nhiệm UBTDTT Nguyễn Trọng Hỷ động viên, đồng thời lãnh đạo Sở TDTT Bến Tre (cũ) cũng đã phối hợp cùng UBTDTT đưa anh đi thăm khám, chữa trị chấn thương và hứa sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất khi anh không còn thi đấu, Duy Bằng đã tập trở lại sau thời gian khá dài bị gián đoạn.
Chính những tố chất bẩm sinh của một tài năng lớn cộng với lòng kiên trì trong tập luyện đã giúp anh dần lấy lại phong độ và giành HCB nhảy cao nam SEA Games 24 với thành tích 2,17m, chỉ xếp sau ngôi sao trẻ đang lên người Malaysia Lee Hup Wei (HCV với 2,19m). Sau kỳ SEA Games này, anh chính thức lập gia đình cùng chủ nhân chiếc HCB nhảy cao nữ SEA Games 23 – 2005 (Philippines) Nguyễn Thị Ngọc Tâm nên xin rút lui khỏi đội tuyển cho đến nay. Tuy chỉ tập trước mỗi giải đấu trong nước khoảng một tháng (bình thường tự tập duy trì 4 buổi/tuần tại SVĐ Thống Nhất TPHCM) nhưng thành tích hiện tại của anh khi thi đấu cho Bến Tre khá ổn định: giải VĐQG 2008 2,09m, ĐKQT TPHCM mở rộng 2,10m, còn tại Đại hội Thể thao sinh viên ĐNA là 2,10m (tất cả đều nhảy qua lần thứ 1).
Thế còn các VĐV nhảy cao nam của VN đã và đang có thành tích tốt nhất ra sao?. Hãy thử lướt qua một số gương mặt nổi trội phía sau Nguyễn Duy Bằng: Nguyễn Thanh Phong (Bà Rịa Vũng Tàu, 1982, thành tích 2,11m), Trần Công Phước (Thừa Thiên – Huế, 1988, 2,09m), Đào Văn Thủy ( Nam Định, 1989, 2,05m), Võ Hoàng Phương (Bến Tre, 1987, 2,03m), Lữ Bé Cần (Sóc Trăng, 1988, 2,03m), Đỗ Cao (Thanh Hóa, 1982, 2,05m) và…chấm hết.
Tuy nhiên, điều đáng lo là những VĐV này, số đã khá lớn tuổi, thể hình không cho phép đạt thành tích cao hơn; số đã nghỉ hoặc tuổi đời còn trẻ nhưng thành tích trồi sụt với độ vênh lớn... nên khó trông mong sẽ đạt thành tích tiếp cận nhóm tranh chấp huy chương trong khu vực ĐNA. Trong khi đó, trả lời câu hỏi nếu được gọi trở lại ĐTQG và tập luyện tích cực ngay từ bây giờ, Duy Bằng thổ lộ: “Thú thật, trong tôi vẫn còn nỗi khát khao cháy bỏng được thi đấu cho đội tuyển tại SEA Games 25 và ASIAN Indoor Games 3 tới. Theo tôi, hiện ngoài Lee Hup Wei có phần nhỉnh hơn, với khả năng có thể vượt qua từ 2,15 – 2,17m, tôi cùng Hasaim Ahmad Najwan Agra (Malaysia, 1986, HCĐ với 2,15m) và Singhaklang Suchart (Thái Lan, 1986, 2,15m) sẽ tranh chấp HCB hoặc HCĐ SEA Games 25. Nhưng trong đó còn chưa kể đến kinh nghiệm và yếu tố may mắn như trường hợp Loo Kum Zee (Malaysia) ở SEA Games 22 – 2003 tại VN. Anh ấy đoạt HCV lần thứ 5 chỉ với 2,15m (khi đã 29 tuổi), một phần lúc ấy cũng do tôi còn non tâm lý thi đấu (HCB với 2,10m). Nếu được, tôi chỉ có đề nghị duy nhất: cho phép tôi tập tại TPHCM và bố trí một HLV có mặt giúp tôi trong các buổi tập kỹ thuật (thứ ba và thứ sáu hàng tuần tại SVĐ Thống Nhất TPHCM)”.
Khi được hỏi thêm rằng trong lúc người Malaysia liên tục cho ra “ lò” những tài năng nhảy cao nam thì Việt Nam và các quốc gia còn lại vẫn chưa cho thấy có nhiều nhân tố mới, Duy Bằng cho biết, thật ra Việt Nam có không ít VĐV tài năng, có thể hình tốt nhưng một mặt, các em lại đam mê môn thể thao khác như bóng chuyền, bóng rổ chẳng hạn, mặt khác cũng do cách làm của chúng ta lâu nay là đào tạo thiếu tập trung. Cần phải có nhiều VĐV để tạo sự cạnh tranh, từ đó mới có sự đột biến. Về vai trò của HLV, cần có nhiều người thầy đào tạo tuyến trẻ như HLV Phan Văn Hiếu (Bến Tre) để cung cấp nguồn cho đội tuyển và tuyến đỉnh cao phải nhờ đến chuyên gia nước ngoài bởi nếu không, thành tích của vận động viên Việt Nam chỉ có thể đến khoảng 2,10m. Ngay cả bản thân anh, nếu ngày xưa không có chuyên gia Nga Mikhail Alexeidrovich Prikhail thì chắc cũng chỉ đến thế!.
Xét cho cùng, thêm một chiếc HC của Duy Bằng cũng không quá quan trọng cho “kho” HC của đoàn thể thao Việt Nam tại các đại hội sắp tới trong năm 2009, nhưng cũng xin được nhắc lại rằng: trước khi VN xuất hiện một Duy Bằng bên bãi nhảy cao nam là một khoảng trống nên có lẽ những giới chức có trách nhiệm với ĐKVN cần nhìn bài học mới mà…. rất cũ của người Malaysia: trước khi ngôi sao Lee Hup Wei có cơ hội được bay cao như ngày hôm nay (thành tích tốt nhất là 2,27m tại Olympic Bắc Kinh 2008 – NV), họ vẫn tạo điều kiện để tượng đài Loo Kum Zee có dịp vụt sáng tại kỳ SEA Games cuối, tựa như “ánh đuốc” soi đường cho các thế hệ phía sau tiếp bước.