Dù đã nỗ lực phòng chống nhưng mất mát bởi cơn bão Lekima là rất lớn. Theo ông, nguyên nhân lớn nhất là gì?
Cơn lũ vừa qua lượng mưa không quá lớn nhưng nước về các sông lại cao bất thường. Tình hình đó lại diễn ra trên diện rộng và có nhiều diễn biến không mang tính qui luật như trước. Đây là nguyên nhân lớn nhất của thiệt hại, là một xu hướng đáng ngại và khá rõ nét của toàn cầu cũng như ở VN. Đó là sự xáo trộn qui luật tự nhiên, kể cả qui luật thiên tai cũng có thay đổi. Sự thay đổi này là kết cục của những biến động kéo dài ở từng thành phần môi trường như địa chất, thủy văn, thổ nhưỡng... cộng hưởng sự phát tác đó và gây tai họa.
Khoa học đã chia lịch sử “quan hệ” của con người với tự nhiên làm ba giai đoạn. Thứ nhất là thời con người bị thiên nhiên thôn tính, phải tìm mọi cách để chống chọi, tồn tại. Đó là thuở sơ khai của lịch sử. Thời kỳ thứ hai, khi con người tăng dần sức mạnh từ công cụ lao động và đã vùng lên chinh phục thiên nhiên. Đó là ngăn sông, đắp đập, lấp biển, tìm châu lục mới... Con người tự hào với sức mạnh của mình. Lúc đó sức mạnh con người đã so sánh được với sức mạnh thiên nhiên. Chúng ta đã chế ngự và “đè” nó xuống như một cái lò xo. Nay là giai đoạn thứ ba, con người đã làm biến dạng sơ đồ qui luật tự nhiên bởi hiệu ứng nhà kính, phá rừng, ngăn sông, lấn biển... Và cái lò xo bật lên, thiên nhiên đã nổi giận bằng chính những vết thương của nó.
Các nhà khoa học không quá lo xa khi nói rằng con người có thể lâm vào tình trạng không thể “chuộc lỗi” được với thiên nhiên. Các vấn đề nước biển dâng cao, băng tan, nhiệt độ nóng, ô nhiễm khí thải đã gần chạm vào giới hạn cuối cùng. Tàn phá thì chỉ mất vài năm, vài tháng nhưng để phục hồi thì phải nhiều thập niên, thậm chí nhiều thế kỷ.