Lũ dữ làm thiệt mạng 41 người

04/11/2009 - 13:51

Cơn bão số 10 qua đi nhưng người dân miền Trung chưa hết bàng hoàng. Cơn bão số 11 ập đến dồn dập, cùng với lũ lớn đã tàn phá, nhấn chìm vô số khu dân cư ở nhiều tỉnh thành nơi đây. Hàng ngàn người phải chạy lũ kinh hoàng trong đêm tối.

Quảng Ngãi: Nửa đêm sơ tán dân

Mưa như trút nước với lượng mưa phổ biến từ 100-399 mm. Nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về mỗi lúc một dữ dội khiến mực nước các sông trong tỉnh lên rất nhanh, trong đó sông Vệ và sông Trà Khúc đều trên mức báo động 3 hơn 1m đã nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà ở TP Quảng Ngãi, các huyện: Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Mộ Đức; nhiều địa phương khác cũng bị nước lũ bao vây chia cắt, cô lập hoàn toàn; phương tiện đi lại duy nhất là dùng ghe.

Trước nguy cơ nước lũ ngày càng dâng cao, huyện đã di dời khẩn cấp 270 hộ dân với hơn 700 khẩu đến nơi an toàn. Còn tại H.Sơn Tây, nước lũ vượt cầu sông Rin (H.Sơn Hà) nên huyện miền núi này bị cô lập.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến 20h ngày 3/11, có khoảng 41 người chết, 8 người mất tích, 52 người bị thương (trong đó tỉnh Phú Yên: 26 người chết, 3 người mất tích, 16 người bị thương; Bình Định: 5 người chết, 2 người mất tích và 15 người bị thương; Đắk Lắk: 10 người bị thương; Quảng Nam: 1 người chết; Quảng Ngãi: 4 người bị thương; Khánh Hòa: 4 người chết, 3 người mất tích, 7 người bị thương; Gia Lai: 4 người chết; Ninh Thuận: 1 người chết).

Quảng Nam: Vết nứt trên núi B’Lố đe dọa

Mưa gây ngập và làm tắc đường ở nhiều huyện. Trong đó, tuyến đường liên tỉnh từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My gián đoạn tại ngầm sông Tranh do nước tràn qua đường trên 1m; tuyến đường nối trung tâm huyện Tây Giang lên các xã vùng biên giới Lào bị cô lập do sạt lở. Tại huyện Đại Lộc, nước sông dâng cao chia cắt nhiều vùng.

 Mưa lớn cũng làm cho những vết nứt trên núi B’Lố (xã A Vương, huyện Tây Giang) xuất hiện từ bão số 9 trở nên rộng thêm ra đe dọa gây lở núi nguy hiểm cho 30 hộ dân (150 nhân khẩu) sống dọc tuyến đường Hồ Chí Minh dưới chân núi này. Bão làm tốc mái 34 ngôi nhà ở xã Trà Mai và Trà Dơn (Nam Trà My).

Khánh Hòa: 4 người chết và 4 mất tích

Sau khi bão số 11 đổ vào đất liền, từ tối ngày 2 đến ngày 3/11, trên toàn tỉnh Khánh Hòa có mưa to đến rất to, một số hồ chứa nước đã bắt đầu xả lũ. Tại TP Nha Trang, các đường Hai Ba Tháng Mười, Hai Tháng Tư, Điện Biên Phủ... nhiều đoạn bị ngập nước.

Tại huyện Vạn Ninh, mưa lớn gây ngập lụt rất nhiều nhà dân ở các xã Vạn Lương, Vạn Bình, Vạn Thắng và thị trấn Vạn Giã; nhiều diện tích canh tác trong huyện bị nước ngập. Tại huyện Khánh Sơn, nhiều xã bị nước lũ chia cắt, tỉnh lộ 9 bị sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông...

Tính đến chiều qua, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có 4 người chết, 4 người mất tích, 7 người bị thương, gần 10.000 người phải di dời khỏi vùng nguy hiểm; 130 căn nhà bị sập và trôi... Nguyên nhân chết và mất tích chủ yếu do lật thuyền và bị nước cuốn trôi.

Ngoài ra, mưa lớn cộng với gió đã làm hơn 2.000 lồng, bè nuôi thủy hải sản bị cuốn trôi, 69 tàu thuyền lớn nhỏ bị đánh chìm và 130 căn nhà bị sập, trong đó huyện Vạn Ninh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của bão số 11 đã có 85 căn nhà bị sập, gần 600 căn nhà tốc mái và hàng chục phòng học, trạm y tế bị hư hỏng nặng.

Tây Nguyên và Nam Trung bộ: Khẩn trương chống lũ

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh Ninh Thuận cùng với các ngành chức năng đang tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tình hình bão lụt, tập trung phương tiện để ứng cứu kịp thời cho nhân dân ở những vùng nguy hiểm và san ủi những đoạn đường bị sạt lở, nối lại các tuyến điện thoại bị đứt nhằm bảo đảm an toàn và thông suốt giao thông, liên lạc.

 Trên địa bàn Ninh Thuận hiện đang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng nước trên các sông, suối trong tỉnh đang tiếp tục tăng nhanh. Dự báo, trên sông Cái Phan Rang, tại Trạm Tân Mỹ đỉnh lũ sẽ đạt mức báo động III, tại Trạm Phan Rang đỉnh lũ đạt mức xấp xỉ báo động cấp II vào 15-16 giờ chiều; trên Sông Lu, tại các trạm Phước Hà, Phước Hữu ở mức báo động I đến báo động II.

Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum: Gió lớn sập nhiều nhà dân

Ở các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Buôn Hồ, M’Đrắk của tỉnh Đắk Lắk, hơn 350 nhà dân, trụ sở, trường học bị sập, tốc mái; hàng ngàn cây cao su, thông, keo bị gãy đổ. Tại tỉnh Kon Tum, 140 ngôi nhà ở của đồng bào ở các huyện khu vực Đông Trường Sơn như Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đắk Glei bị đổ sập hoặc hư hỏng nặng. Còn tại tỉnh Gia Lai, đến cuối ngày 3/11 vẫn có hàng ngàn nhà dân bị chìm trong lũ.

Tại Đắc Lắc, mưa bão tại huyện Krông Năng đã làm 95 nhà dân bị tốc mái, tại thị xã Buôn Hồ, gió lớn làm 7 nhà ở xã Ea Siên bị sập. Tại huyện M'Drăk, mưa to, gió mạnh làm 1 hội trường thôn bị đổ; 2 hội trường thôn khác và 38 nhà dân bị tốc mái, 1 trụ điện cao thế bị đổ gây mất điện từ 16h ngày 2/11 đến 7h sáng 3/11 vẫn chưa khắc phục được. Tại huyện Ea Kar gió mạnh làm 3 nhà dân sập, 96 nhà dân bị tốc mái…

Ninh Thuận: Ngập lụt nhiều khu dân cư

Từ rạng sáng 3/11, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có mưa lớn kéo dài làm ngập lụt nhiều khu vực dân cư. Cơ quan chức năng đã huy động lực lượng dân quân tại chỗ di dời gần 400 hộ dân (hơn 1.600 người) sinh sống ven sông, vùng đồi núi... ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước và Thuận Nam đến khu vực an toàn để tránh lũ quét, sạt lở núi. QL1A đoạn qua địa phận xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc có đoạn nước ngập sâu hơn 0,5 mét, làm gián đoạn giao thông trong nhiều giờ. Sở GD-ĐT Ninh Thuận đã quyết định cho học sinh toàn tỉnh được nghỉ học ngày 4/11.

Dốc toàn lực cứu hộ

Ngày 3/11, kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai tại tỉnh Phú Yên, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, yêu cầu chính quyền địa phương cấp tốc khắc phục thiệt hại, triển khai giúp dân sửa chữa lại nhà cửa để sớm ổn định đời sống, không để hộ dân nào phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Trước tình hình nguy cấp của nhiều khu vực thuộc tỉnh Phú Yên, Ban PCLB - TKCN Trung ương đã quyết định điều động 2 máy bay trực thăng từ TP.HCM và tăng cường 8 ca-nô từ Ninh Thuận ra Phú Yên để tham gia cứu hộ các hộ dân đang bị lũ chia cắt ở 2 huyện: Tuy An và Đồng Xuân.

Tại Bình Định, công tác cứu hộ được đặt trong tình trạng khẩn cấp với một lực lượng hùng hậu lên đến hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, gồm: Quân khu 5, Bộ đội biên phòng, Bộ chỉ huy quân sự, Công an tỉnh, TP Quy Nhơn..., và hàng trăm đội thanh niên xung kích liên tục ứng cứu người dân bị cô lập từ rạng sáng 2/11.

Nguồn VnMedia

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN