Lấy kinh nghiệm của người đi trước, anh giải thích cặn kẽ về văn hóa phi vật thể. Đó là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và được lưu truyền bằng nhiều hình thức khác nhau trong dân gian. Ví dụ như diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác… là một trong những di sản văn hóa phi vật thể.
Di sản văn hóa phi vật thể là gì? - Khái niệm này thật mơ hồ đối với tôi. Tôi không thể hình dung được nó như thế nào và có tồn tại ở tỉnh ta không? Mọi thắc mắc của tôi dường như anh hiểu hết, bởi lúc mới bắt đầu tìm hiểu, anh cũng như tôi. Lấy kinh nghiệm của người đi trước, anh giải thích cặn kẽ về văn hóa phi vật thể. Đó là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và được lưu truyền bằng nhiều hình thức khác nhau trong dân gian. Ví dụ như diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác… là một trong những di sản văn hóa phi vật thể.
Qua lời kể của người đồng nghiệp, tôi tìm đến Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) để gặp anh Lư Văn Hội (sinh năm 1956), tên thường gọi Lư Hội. Quả nhiên, điều mọi người nhận xét không sai, anh rất tự nhiên, thân thiện, nhiệt tình và giàu vốn sống. Quê ở xã Phong Nẫm (Giồng Trôm), từ nhỏ anh đã ấp ủ ước mơ trở thành thầy giáo dạy chữ cho học trò nghèo quê mình. Càng trưởng thành, ước mơ cũng càng lớn. Vào năm 1979, anh thi đậu vào Trường Cao đẳng Bến Tre (tên gọi ngày nay) với chuyên ngành sư phạm Văn. Sau khi tốt nghiệp, anh về quê dạy học và được giao nhiệm vụ hiệu trưởng trường cấp I, II xã Phong Mỹ. Trong quá trình công tác, anh luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, được lãnh đạo huyện Giồng Trôm phân công phụ trách nhiều nhiệm vụ khác nhau (từ năm 1980 đến 1996) như: Bí thư xã Phong Nẫm, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện. Đầu năm 1997, UBND tỉnh quyết định điều động anh về công tác tại Sở VH-TT&DL (tên gọi ngày nay). Lúc đầu anh phụ trách công tác xây dựng gia đình văn hóa. Năm 1998, Bộ VH-TT&DL được Chính phủ cho phép thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, anh được lãnh đạo sở phân công chuyên trách công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bến Tre.
Nhiệm vụ mới trái với chuyên môn nghiệp vụ làm anh mất ngủ mấy đêm liền vì lo lắng, trăn trở. Anh kể: Tôi rất ngỡ ngàng và luôn tự vấn: Văn hóa phi vật thể là gì, bảo tồn như thế nào và bắt đầu từ đâu…? Tâm trạng thật là khó tả! Rồi những thắc mắc trên được giải đáp khi tôi hoàn thành chương trình tập huấn về di sản văn hóa phi vật thể. Tôi bắt tay làm, đi rất nhiều nơi để tìm hiểu và chọn đề tài có nguy cơ dễ mai một ở tỉnh để ghi chép lại. Lúc đó, mọi người thường trêu tôi: Lư Hội “phi tập thể”, làm việc chỉ một mình. Đúng vậy! Tôi nhớ nhất là lần xuống công tác ở xã Phú Lễ (Ba Tri) để tìm hiểu hát sắc bùa Phú Lễ (còn gọi là diễn xướng sắc bùa Phú Lễ), những nghệ nhân lớn tuổi ở đây không tin tưởng tôi, họ nghĩ tôi chỉ tìm hiểu cho có, lấy lệ. Nhưng suốt thời gian 20 ngày tìm hiểu, ghi chép cặn kẽ, tôi được bậc “tiền bối” ở đây tin tưởng, thương yêu và truyền hết những gì họ biết, giúp tôi ghi chép lại đầy đủ những nội dung quan trọng, từ lịch sử hình thành cho đến phát triển của thể loại diễn xướng này, thậm chí còn dạy tôi hát sắc bùa nhuần nhuyễn.
Nói về kinh nghiệm, những điều bổ ích được góp nhặt từ những chuyến đi, anh chia sẻ: “Tôi có thể hiểu hết những vất vả của lãnh đạo, anh em ở địa phương, bởi tôi cũng từng được phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau. Một sự thông cảm, một câu chào hỏi cũng có thể tạo thiện cảm trong lòng mọi người. Vì thế, đến nơi nào, gặp ai tôi đều vui vẻ, thân tình. Tôi nói những điều hết sức chân tình về văn hóa phi vật thể. Tôi giải thích cho mọi người rằng di sản văn hóa phi vật thể rất đa dạng, phong phú, có tính dị bản cao hơn văn hóa vật thể. Nó vừa mang tính bền chắc, vừa mỏng manh, “nó âm thầm lặng lẽ, mai một, đôi khi biến mất mà ít khi nghe được tiếng chuông cảnh báo”. Nghe có lý, các địa phương, nghệ nhân rất ủng hộ, hướng dẫn, cung cấp cho tôi tư liệu thô về các vấn đề văn hóa phi vật thể, thậm chí còn chỉ rõ địa điểm, tên tuổi những nghệ nhân từng và đang lưu giữ các giá trị văn hóa; gợi ý cho tôi nhận diện sâu sắc hơn về di sản văn hóa nói chung, phi vật thể nói riêng. Qua những chuyến đi, tôi càng xác định đây là công việc mới, tuy thầm lặng nhưng rất có giá trị ý nghĩa đối với cuộc sống hiện tại cũng như tương lai.
Nhờ không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, trao đổi thẳng thắn với đồng nghiệp, những nhà khoa học: “Học mỗi người một ít, học mỗi ngày một ít, góp nhặt những điều nhỏ sẽ thành to”, giờ đây, có thể nói, khó tìm được người có tâm huyết với công việc ở lĩnh vực mới mẽ này như anh. Anh đã thực hiện 6 dự án thuộc dự án chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, cụ thể là: các hình thức diễn xướng dân gian ở Bến Tre; làng bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc; dấu ấn quê hương; Bến Tre - bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; đình làng Bến Tre - các giá trị văn hóa; dừa trong ẩm thực Bến Tre. Mỗi đề án có 4 sản phẩm album ảnh, báo cáo khoa học, phim tư liệu, băng cát-sét…
Hiện nay, anh giữ chức Chánh Văn phòng Sở VH-TT&DL; Chi hội trưởng Chi hội Di sản văn hóa (Bảo tàng Bến Tre). Khi được hỏi điều tâm đắc nhất của anh là gì? anh cười trả lời: Điều tôi vui nhất chính là công việc tôi đang làm ngày càng được xã hội quan tâm, có nhiều tổ chức, cá nhân muốn tham gia với mình. Tôi nghĩ, chung tay gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa là một việc nên làm!
Sự cởi mở, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người và lòng đam mê công việc, luôn thôi thúc anh ra sức giữ gìn và bảo tồn văn hóa đang dần bị mai một. Lư Hội xứng đáng được phong tặng “Ông vua” bảo tồn văn hóa phi vật thể của tỉnh Bến Tre.