Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi: Lấy người bệnh làm trung tâm

25/05/2022 - 19:32

Chiều 25-5-2022, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đọc Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Nhiều vướng mắc, bất cập

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, sau hơn 11 năm triển khai thì Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.

Trên cơ sở đó, dự thảo luật sửa đổi trình xin ý kiến Quốc hội gồm 10 chương và 102 điều, thêm 1 chương (chương IX) so với luật hiện hành, quy định về Phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; chính sách của Nhà nước, trách nhiệm quản lý Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; các hành vi bị cấm; khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A...

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, về đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề: Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định cấp chứng chỉ hành nghề theo đối tượng và văn bằng chuyên môn. Việc quy định cấp chứng chỉ hành nghề theo đối tượng và văn bằng chuyên môn gây khó khăn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình tổ chức thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế vì trên thực tế không có sự thống nhất giữa cách ghi ngành đào tạo trong văn bằng chuyên môn, một số văn bằng chuyên môn ghi ngành đào tạo không có trong đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật nhưng vẫn đang làm việc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và là đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề, ví dụ: Cử nhân sinh học làm kỹ thuật viên xét nghiệm.

Một số đối tượng, chức danh chuyên môn làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc làm công việc chuyên môn tham gia trực tiếp vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, ví dụ như cử nhân dinh dưỡng, cử nhân tâm lý trị liệu. Một số đối tượng hiện nay có trình độ đào tạo không còn phù hợp trong hệ thống chức danh nghề nghiệp y tế như đối tượng y sỹ...

Về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề: Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề dựa trên văn bằng chuyên môn của người đề nghị cấp nên không đánh giá được thực chất năng lực người hành nghề, chất lượng đào tạo. Đa số các nước trên thế giới đều cấp giấy phép hành nghề dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay việc sử dụng ngôn ngữ của người hành nghề là người nước ngoài, trong đó cho phép người nước ngoài sử dụng phiên dịch còn nhiều bất cập như: Hạn chế trong việc khai thác tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khỏe, các dấu hiệu lâm sàng, việc ghi chép hồ sơ bệnh án, kê đơn… do tình trạng bất đồng ngôn ngữ giữa người hành nghề, người phiên dịch và người bệnh; tình trạng người phiên dịch không làm việc sau khi người nước ngoài đã được cấp chứng chỉ hành nghề; tình trạng người phiên dịch lợi dụng vị trí để hành nghề trái phép.

Bên cạnh đó, việc sử dụng người phiên dịch cũng tạo ra bất cập trong việc xác định trách nhiệm pháp lý khi xảy ra sự cố y khoa do khó có thể xác định nguyên nhân gây ra sự cố do chỉ định của người hành nghề hay lỗi tại người phiên dịch...

Về thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề: Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 không quy định thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề (chứng chỉ hành nghề có giá trị vĩnh viễn). Việc quy định như trên gây khó khăn trong việc theo dõi, giám sát quản lý chất lượng hành nghề khi chuẩn hóa các điều kiện chuyên môn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục và quá trình hành nghề của người hành nghề. Bên cạnh đó, quy định này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế (các nước trên thế giới đều quy định giấy phép hành nghề có thời hạn) gây khó khăn cho việc hội nhập của y tế Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới về khám bệnh, chữa bệnh.

Về hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa bao phủ hết các loại hình tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã tồn tại trong thực tế hoặc mới phát sinh.

Về quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 chưa có giải pháp nhằm quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dẫn đến tình trạng thiếu sự liên thông trong theo dõi sức khỏe, tình trạng bệnh tật của người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, một số nội dung liên quan đến chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh như: Khám bệnh, chữa bệnh từ xa; điều trị nội trú ban ngày; phục hồi chức năng; khám sức khỏe; khám giám định; chăm sóc người bệnh; dinh dưỡng lâm sàng; cấp cứu ngoại viện, phòng ngừa sự cố y khoa... chưa được quy định trong luật để bảo đảm cơ sở pháp lý để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và tổ chức triển khai thực hiện…

Đặc biệt, một số quy định không còn thực sự phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan như quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, nguồn tài chính,.. hoặc chưa có quy định như phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết 20-NQ/TW…

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh để khắc phục những hạn chế, bất cập, trên cơ sở các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Bộ Y tế đã xây dựng nội dung dự án luật theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh…

Cần có tổng kết, đánh giá về những tác động của việc sửa đổi

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay Ủy ban Xã hội nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành luật và thấy rằng dự án luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo chính sách dân tộc và đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; hồ sơ dự án luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, bổ sung đánh giá tác động đối với các nội dung sửa đổi, bãi bỏ so với luật hiện hành; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân tại dự án luật.

Ủy ban Xã hội về cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, tuy nhiên, đề nghị cân nhắc khi loại trừ “hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe”, trong đó bao gồm các hoạt động như “sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật và các can thiệp để hạn chế tỷ lệ mắc bệnh, tật” ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật trong khi đây cũng là một trong các hoạt động “khám bệnh,” “chữa bệnh”.

Về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh (Điều 4): Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với quy định về các chính sách, tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, đặc biệt là các nội dung về giá dịch vụ y tế, về xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, về đào tạo và đãi ngộ cán bộ y tế và cần bảo đảm các chính sách nêu tại điều này được thể hiện cụ thể tại các điều khoản trong luật để có tính khả thi.

Tại Tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án về thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề cùng với các ưu, nhược điểm.

Ủy ban Xã hội thấy rằng theo phương án 1, Hội đồng Y khoa quốc gia cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề như quy định tại khoản 1 Điều 26, tức là thực hiện chức năng như các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong khi chưa rõ địa vị pháp lý của tổ chức này cũng như chưa quy định rõ cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là chưa phù hợp.

Có ý kiến đề nghị chưa quy định nội dung này vào dự thảo Luật mà nên ‟Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề” như Nghị quyết 20-NQ/TW và tiến hành tổng kết làm cơ sở để luật hóa.

Ủy ban Xã hội tán thành với phương án 2, theo đó, Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp Giấy phép hành nghề và các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện khác để cấp phép hành nghề vì cho rằng quy định như vậy là phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Tờ trình đưa ra hai phương án quy định về việc sử dụng ngôn ngữ khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam.

Một số ý kiến trong Ủy ban Xã hội nhất trí với phương án 1 quy định tại Điều 24 dự thảo, theo đó, người hành nghề khám chữa bệnh phải biết tiếng Việt thành thạo và không sử dụng phiên dịch khi hành nghề, trừ một số trường hợp đặc biệt, song đề nghị xác định rõ tiêu chí “biết tiếng Việt thành thạo” và “cùng ngôn ngữ mẹ đẻ”; cần nghiên cứu quy định lộ trình đáp ứng điều kiện sử dụng tiếng Việt thành thạo đối với người nước ngoài xin cấp mới Giấy phép hành nghề để đảm bảo sự bình đẳng giữa những người hành nghề.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Xã hội đồng tình với phương án 2 là giữ quy định hiện hành, theo đó, trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch để hạn chế ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang sử dụng người nước ngoài và cho rằng, để khắc phục các tồn tại hiện nay, cần xác định trách nhiệm pháp lý của phiên dịch, nâng cao chất lượng đội ngũ này, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Báo cáo thẩm tra số 767/BC-UBXH15 còn đề cập các nội dung về giải thích từ ngữ (Điều 2); hồ sơ bệnh án (Điều 60); giải quyết đối với người bệnh không có người nhận (Điều 65); giải quyết đối với người bệnh tử vong (Điều 66); xử lý chất thải y tế (Điều 64); quy định khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (Điều 98, 99, 100 và 101)…

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN