Luật sư của người nghèo

03/01/2011 - 08:08
Luật sư Trương Thị Xem đang nghiên cứu hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý.

Thực tế cho thấy, phần lớn những người nghèo khi cần tranh tụng tại tòa, không có điều kiện thuê luật sư, trong khi, việc tiếp cận pháp luật còn hạn chế nên họ khó có thể tự bảo vệ trước tòa. Do đó, ngoài chức năng tư vấn pháp luật miễn phí, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Trung tâm) còn cử luật sư - cộng tác viên trợ giúp pháp lý đại diện tranh tụng tại tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, bị hại, đương sự thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách… Hoạt động này vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính nhân văn sâu sắc, tạo được sự đồng thuận từ xã hội.

Khi người nghèo “gõ cửa”

Bên ly trà nóng, luật sư Trần Minh Thành kể về hoàn cảnh đáng thương của bà Nguyễn Thị B (xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách). Vì tin tưởng vào người con trai út Nguyễn Văn L, mà bà B đã cho anh đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 3.600m2 đất. Một thời gian sau, do mâu thuẫn, bà B không thể tiếp tục sống cùng con trai, bà yêu cầu anh trả lại một phần đất cho bà cùng đứa cháu nội (con ruột anh L) canh tác để lấy hoa lợi nuôi sống hai bà cháu. Nhưng anh L không đồng ý, viện lý do “Giấy chứng nhận QSDĐ ghi tên ai thì của người đó, mẹ không còn quyền gì ở đây”. Đau đớn, phẫn uất vì thái độ của người con, bà B lặn lội lên gõ cửa văn phòng luật sư Thành như một cách cầu may trong tuyệt vọng, vì không có tiền để thuê luật sư. Bà B không ngờ rốt cuộc không mất đồng nào mà bà vẫn được trợ giúp pháp lý (TGPL) khi luật sư giới thiệu bà qua Trung tâm và được Trung tâm ra quyết định cử luật sư giúp bà. Nghiên cứu hồ sơ, luật sư phát hiện giấy chứng nhận QSDĐ cấp cho hộ Nguyễn Văn L, do bà B là chủ hộ nên bà và cháu nội cũng có một phần quyền ngang bằng với anh L. Trong buổi hòa giải tại xã, luật sư đã phân tích về tình lẫn về lý cho anh L hiểu nguồn gốc đất là do ông bà để lại cho mẹ anh, việc anh đứng tên trên giấy chỉ là đại diện hộ gia đình chứ không phải bà B đã tặng luôn cho anh. Cuối cùng, anh L đã nhận ra cái sai của mình, đồng ý tách phần diện tích đất cho mẹ, không phải đưa nhau ra tòa. Ngày trở xuống thăm bà, luật sư được bà trao cho chùm bòn bon với lời nhắn trong nước mắt: “Cũng nhờ có luật sư đây mà già này mới có thể an tâm nhắm mắt vì còn có cái để lại cho đứa cháu tội nghiệp đã sớm mồ côi mẹ”.

Một trường hợp khác cũng không kém phần xúc động là ông Trần Văn S (xã Tân Hưng, huyện Ba Tri) bị tòa sơ thẩm tuyên phải tháo dỡ 0,7m chiều ngang của xuyên suốt ngôi nhà có chiều dài hơn 20m để làm lối đi cho đương sự khác trong vụ án tranh chấp lối đi. Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông S kháng cáo. Trong một lần ghé Trung tâm nộp hồ sơ một vụ án khác, luật sư Phạm Chí Trung tình cờ biết được trường hợp của ông S và đã nhận lời giúp ông. Lặn lội xuống tận nơi để xác minh sự việc, luật sư nhận thấy nếu như y án sơ thẩm tuyên thì ông S phải đập phá gây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngôi nhà cấp 4 mà ông dành dụm gần cả đời mới có được. Trong khi ông S đã tự nguyện nhường lại một lối đi khác cũng bằng và thuận lợi như lối đi cũ. Cuối cùng, tòa phúc thẩm đã đồng ý với kháng cáo của ông S, tránh cho ông việc phải đập nhà.

Luật sư của người nghèo

Theo ông Nguyễn Văn Thu, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, từ nhiều năm nay, đội ngũ luật sư trong tỉnh đã và đang đóng góp rất lớn trong công tác TGPL miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách,… Hiện có 11 văn phòng luật sư, 1 công ty Luật Hợp danh và Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh tham gia TGPL thường xuyên cùng Trung tâm. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, các cộng tác viên là luật sư đã thực hiện hơn 269 vụ việc TGPL với hình thức tham gia tố tụng, gồm đại diện (164 vụ việc), bào chữa (105 vụ việc). Chất lượng vụ việc thực hiện ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của người dân, thể hiện sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của luật sư đối với hoạt động này. Có những luật sư khi thân chủ tìm đến mình, câu đầu tiên là hỏi thân chủ có thuộc diện TGPL không, hướng dẫn họ qua Trung tâm để hưởng quyền lợi được TGPL, không mất tiền. Có người thì gắn bó với Trung tâm từ những ngày đầu mới thành lập với bộn bề khó khăn như luật sư Trương Thị Xem, cũng có luật sư tuy đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi” vẫn nhiệt tình tham gia như luật sư Lê Văn Thanh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh. Ngoài hoạt động tham gia tố tụng, một số luật sư còn tích cực cùng đoàn TGPL lưu động xuống tận các xã vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân, điển hình là luật sư Trần Minh Thành.

Hơn ai hết, luật sư là người hiểu rõ tầm quan trọng của việc am hiểu và vận dụng pháp luật trong cuộc sống. Những ngày đảm nhận công việc TGPL, các luật sư hiểu hơn về những thiệt thòi của người nghèo. Do thiếu vốn kiến thức pháp luật, họ không thể bảo vệ mình trước những tình huống có liên quan đến pháp luật. Thêm vào đó, vì hoàn cảnh, vì thiếu hiểu biết mà nhiều người nghèo dễ bị đưa đẩy vào con đường phạm pháp. Có nhiều trường hợp rất “hồn nhiên” khi phạm tội. Bằng chứng là khi bị tuyên án về tội trộm cắp tài sản hay cố ý gây thương tích thì họ mới ngỡ ngàng thanh minh rằng “Ai biểu nó đánh tôi trước, tôi phải đánh lại chứ”, “Nó thiếu tiền không trả thì tôi xiết đồ để trừ nợ”…

Điều 50 và 51 của Hiến pháp năm 1992 nước ta quy định: “…Các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân”. “… Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân; công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội...”. Nhưng để mọi người có thể hiểu quyền và thực hiện nghĩa vụ của mình thì không phải dễ, nhất là trong lĩnh vực pháp luật. Do đó, vai trò của hoạt động TGPL là không thể thiếu; trong đó, đội ngũ luật sư đảm nhận một nhiệm vụ rất quan trọng, như lời các luật sư tâm huyết: “Mỗi luật sư phải là một chiến sĩ trong mặt trận xóa mù pháp luật cho người dân”.

Bài, ảnh: Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN