Lưu ý khả năng chịu mặn của các loại cây trồng phổ biến

15/03/2022 - 15:39

BDK.VN - Theo công văn 702 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bến Tre gửi đến các đoàn thể, địa phương (ngày 7-3-2022), Sở đã thông tin đầy đủ về khả năng chịu mặn của các loại cây trồng phổ biến trên địa bàn tỉnh và khuyến cáo nông hộ quan tâm thực hiện các giải pháp phù hợp để đảm bảo việc sản xuất cây trồng thuận lợi trong điều kiện hạn mặn đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Lưu ý khả năng chịu mặn của từng nhóm cây trồng và kiểm tra thường xuyên độ mặn khi tưới nước cho cây.

Lưu ý khả năng chịu mặn của từng nhóm cây trồng và kiểm tra thường xuyên độ mặn khi tưới nước cho cây.

Nhóm cây trồng không được sử dụng nước mặn là các loại hoa kiểng, cây giống, rau các loại. Người sản xuất tuyệt đối không lấy nước bị nhiễm mặn để tưới cho các loại cây trồng này; chủ động tăng cường các công trình, thiết bị tích trữ nước; tạo điều kiện tốt nhất để trữ nước ngọt trên mương, ao, hồ chứa... phục vụ cho sản xuất.

Đối với nhóm cây trồng chịu mặn kém như: Sầu riêng, chôm chôm là nhóm cây đặc biệt mẫn cảm với nước mặn. Vì thế chỉ nên tưới khi nước có độ mặn dưới 0,3‰. Đối với các loại cây trồng mít, măng cụt, cam, quýt, chanh, vú sữa, chỉ nên tưới khi nước có độ mặn dưới 0,5‰.

Các cây trồng chịu được nước mặn dưới 1‰ bao gồm: Nhãn, chuối, bưởi, lúa. Nhóm cây trồng chịu mặn trung bình là xoài và mãng cầ̀u xiêm, chịu được độ mặn dưới 3‰. Đặc biệt, đối với cây dừa có khả năng chịu mặn khoảng 4‰. Tuy nhiên, do thời gian mặn tại Bến Tre kéo dài nên cần chú ý quản lý nước tưới cho dừa ở mức khoảng 2‰ trở lại.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức khuyến cáo, cần phải ưu tiên giải pháp tích trữ nước ngọt, chủ động trữ nước trong hệ thống kênh, mương, ao, hồ... hoặc các thiết bị tích trữ nước. Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến độ mặn nên sử dụng các thiết bị đo độ mặn để kiểm tra nước tưới trước khi sử dụng.

“Thông tin trên thể hiện khả năng chịu mặn ngắn hạn, nếu xâm nhập mặn kéo dài khả năng chịu mặn của cây trồng có thể thấp hơn so với khuyến cáo. Trong quá trình canh tác nếu có khó khăn về nguồn nước, chỉ nên tưới nước có độ mặn dưới mức đã nêu kết hợp tưới tiết kiệm, giữ ẩm, che mát, bón phân hữu cơ... Thường xuyên theo dõi độ mặn trên sông, rạch để lấy nước vào mương, ao hồ hay dụng cụ chứa để tưới cho cây và nhằm làm giảm ô nhiễm trong mương vườn để tránh việc cây bị ngộ độc hữu cơ do nước quá bẩn” - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức cho biết thêm.

Tin, ảnh: Cẩm Trúc

 

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN