Bắt ba đối tượng tàng trữ ma túy đá tại xã Bình Phú, TP. Bến Tre. Ảnh: Q.Duy
Từ lâu, ma túy được ví như chất độc hủy hoại nghiêm trọng sức khỏe con người; đồng thời cũng chính là một trong những nguyên nhân phát sinh tội phạm, gây mất an ninh trật tự.
Nhưng suy cho cùng, ma túy
cũng là vật vô tri, vô giác, nó không thể tự tìm đến đối tượng sử dụng. Tội lỗi
ở đây thuộc về những kẻ mờ mắt trước lợi nhuận từ ma túy mang lại. Họ đã trực
tiếp gieo rắc hiểm họa này cho cộng đồng thông qua các hoạt động sản xuất, vận
chuyển, tàng trữ và mua bán trái phép các chất ma túy.
Tội phạm về ma túy chủ yếu là tàng trữ, vận
chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy và những kẻ phạm tội phần lớn đều
nghiện ma túy. Ban đầu, bọn chúng mua ma túy về bán với mục đích kiếm lời để sử
dụng. Khi trao đổi mua bán trót lọt được vài lần, tiền lời rủng rỉnh, những kẻ
này ngày càng lún sâu vào vực thẳm tội lỗi, không còn nghĩ đến những hậu quả
cho bản thân, gia đình và xã hội.
Những kẻ phạm tội về ma túy không từ bất cứ một
thủ đoạn nào để đạt được mục đích. Chúng tìm mọi cách dụ dỗ người khác sử dụng
ma túy để bán kiếm lời, hay lôi kéo bạn bè, người thân cùng phạm tội. Một người
bán ma túy có thể lôi kéo nhiều người khác sử dụng rồi nghiện ma túy. Những người
nghiện này có thể sẽ tiếp tục trở thành người bán ma túy hoặc thực hiện các
hành vi phạm tội khác như trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản để có tiền thỏa mãn
cơn nghiện. Như vậy, từ một người bán ma túy sẽ làm gia tăng nhiều loại tội phạm
theo cấp số nhân.
Đó là về mặt xã hội, còn về phía bản thân người
nghiện ma túy cũng có những hệ lụy khôn lường. Người tiêm chích heroin sẽ có
nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường máu, trong đó nguy hiểm nhất là nhiễm vi
rút HIV khi dùng chung bơm kim tiêm. Người sử dụng ma túy đá sau một thời gian
sẽ bị ngộ độc thần kinh, gây loạn thần, ảo giác. Khi rơi vào trạng thái này, người
nghiện ma túy đá sẽ thực hiện những hành vi mà bản thân không thể tự kiểm soát
được. Họ có thể tự gây tổn thương cho bản thân mình hoặc người khác, thậm chí
là giết người. Đối với những gia đình có người thân nghiện ma túy thường suy kiệt
về kinh tế, sa sút tinh thần, mặc cảm với xã hội, thậm chí gia đình xào xáo, đổ
vỡ.
Tội ác nào rồi cũng bị phơi bày ra ánh sáng,
những kẻ phạm tội về ma túy đều lần lượt chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của
pháp luật với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Có tội phải đền tội là lẽ tất
nhiên. Thế nhưng hậu quả do những kẻ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán
trái phép các chất ma túy khi chúng đền tội chưa kết thúc. Bên ngoài xã hội vẫn
còn đó những người nghiện ma túy do chúng gieo rắc. Đối với chính gia đình những
người phạm tội cũng mang nhiều hệ lụy. Con cái sống cảnh không cha, không mẹ, vợ
xa chồng, cha mẹ già không người nương tựa, mặc cảm, xấu hổ với bà con, làng
xóm…
Do vậy, để có cuộc sống bình yên, hạnh phúc,
bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống
tội phạm ma túy, mỗi người cần nâng cao hiểu biết về tác hại của ma túy, tự bảo
vệ mình trước sự rủ rê, xúi giục của những phần tử xấu, tuyệt đối không thử sử
dụng ma túy dù chỉ một lần, không để bản thân mình trở thành người nghiện ma
túy. Đối với những ai hám lợi, muốn kiếm tiền bất chính từ ma túy cần thấy rõ
những hậu quả cho bản thân, gia đình và xã hội khi thực hiện các hành vi phạm tội
về ma túy. Mỗi gia đình cần làm tốt trách nhiệm quản lý, giáo dục con em, kịp
thời phát hiện, uốn nắn những hành vi bất thường, không để người thân trở thành
nạn nhân của ma túy. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công
tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy trong nhân dân; phối
hợp chặt chẽ với gia đình có người nghiện ma túy để tiến hành các biện pháp cai
nghiện phù hợp, hiệu quả. Đẩy lùi vấn nạn ma túy là nền tảng vững chắc để xây dựng
gia đình ấm no, hạnh phúc, xã hội văn minh, phồn thịnh.