 |
Bà Nguyễn Thị Vui vẫn luôn tâm niệm sống là cho đi, luôn hết lòng vì hoạt động xã hội. |
Sự kiện ngày 22-7-1972 mãi mãi khắc ghi trong tâm trí bà - đó là ngày mà 11 đồng đội của bà hy sinh vì bị địch đánh trái nổ. Bà may mắn còn sống nhưng cũng mang thương tật, là thương binh hạng 3/4. Nhớ những người bạn đã hy sinh, bà đã nguyện cả cuộc đời dành trọn tâm sức cho hoạt động xã hội, hướng về cộng đồng, quê hương. Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Vui - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm.
Thời chiến - sẵn sàng đảm nhận mọi nhiệm vụ
Ở tuổi 71 nhưng bà Nguyễn Thị Vui vẫn linh hoạt, nhanh nhẹn. Mỗi vấn đề công tác xã hội (đi vận động nhà tài trợ, khảo sát, kiểm tra các công trình để báo cáo nhà tài trợ và nhân dân…), bà đều sắp xếp cẩn trọng và hợp lý. Bà bảo: “Ngay từ thời còn trẻ, tôi đã được trui rèn ý chí chiến đấu, hăng say công tác”. Và “lửa” trong tinh thần làm việc ngày ấy của bà gần như còn vẹn nguyên đến hôm nay. Tuổi trẻ của bà đi qua trong khói lửa. Bà được tổ chức tin tưởng, giao nhiều nhiệm vụ để cùng với đồng đội góp sức vào công cuộc giải phóng quê hương. Ngày ấy, bà mang bí danh “9 Mai”, tham gia Đoàn Văn công phục vụ trong xã Lương Hòa. Rồi bà tham gia làm hầm chông, đi giao bưu, tải đạn, tải thương bộ đội… Đảm nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao, bà cảm giác rất vui.
24 tuổi, bà được kết nạp Đảng và làm cán sự phụ nữ ấp. Thời gian sau, bà được tổ chức giao nhiệm vụ Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã, phụ trách đoàn vận động chính trị, vận động quần chúng trong các ấp, vùng địch đang chiếm đóng, động viên thanh niên nhập ngũ. Năm 28 tuổi, trong một lần cùng đồng đội đi phát động chính trị cho quần chúng ở ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, bà đã bị thương. Theo xác nhận của ông Đặng Văn Thanh ở ấp 5, xã Lương Hòa, người đồng đội của bà năm xưa: “... Tôi và chị công tác chung. Chị rất năng nổ và luôn hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Ngày 22-7-1972, khi đó chị là Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ xã, đi vào ấp chiến lược để phát động phong trào, trong đó có tôi và một số đặc công, du kích, cán bộ cùng đi. Đi vào ấp chiến lược Phong Điền, cách lộ 50m thì bị lọt vô bãi mìn, địch phát hiện và châm điện nổ. Trong trận này có 11 đồng chí hy sinh, chị Vui đi trước cũng bị thương. Lúc đó, chị còn bình tĩnh lôi về 3 khẩu súng. Sau khi trị hết bệnh, chị lại tiếp tục công tác…”.
Thời bình - tích cực với công tác xã hội
Nói về nữ thương binh Nguyễn Thị Vui, ông Phạm Hữu Thừa - Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết, đây là một trong những cán bộ TNXP luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công tác, nhiệm vụ, hết lòng với công tác Hội. Đặc biệt, bà đã tích cực vận động các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu, nhà tình thương, tình nghĩa, các hoạt động chăm lo cho cựu TNXP còn gặp khó khăn trong cuộc sống.
Bằng uy tín của bản thân, bà dốc cả tinh thần và tình cảm vào từng phần việc. Bà đã không ít lần lặn lội từ quê nhà đến tận các tỉnh, thành phố để gặp gỡ trực tiếp nhà tài trợ, cố gắng xin kinh phí để triển khai các hoạt động xã hội ở quê nhà. Nhiều năm qua, từ các nguồn vận động, bà đem về cho nhiều người nghèo, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn những phần quà ý nghĩa. Đó là hàng chục chiếc xe lăn cho người khuyết tật, học bổng và tập vở tặng cho học sinh nghèo hiếu học. Riêng từ năm 2014 đến nay, bà đã trực tiếp vận động, xây dựng mới 35 cây cầu trong và ngoài xã (kinh phí hơn 570 triệu đồng) và 2 căn nhà Nghĩa tình đồng đội (112 triệu đồng); vận động trao tặng gần 500 suất quà cho hộ nghèo (hơn 110 triệu đồng)… Bà đang tiếp tục vận động mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để chuẩn bị thi công một số cây cầu ở các xã lân cận.
Hội Cựu TNXP xã Lương Hòa hiện có 157 hội viên, sinh hoạt ở 4 chi hội. Với cương vị là Chủ tịch Hội, bà không chỉ sát sao trong từng công việc chung mà còn gắn bó, nắm rõ hoàn cảnh của từng hội viên. Những hội viên có hoàn cảnh khó khăn luôn được dành sự quan tâm nhiều hơn. Trong hoạt động tổ chức Hội, bà không đặt nặng hình thức mà luôn chú trọng việc thực hiện từng nội dung sao cho phù hợp thực tế, đi vào trọng điểm, thẳng thắn trao đổi những vấn đề còn vướng mắc, hạn chế để tìm ra cách giải quyết ổn thỏa nhất, giúp công tác Hội được trôi chảy, hội viên an tâm công tác. Đặc biệt, bà giữ vững tinh thần đoàn kết trong tập thể. Nhiều năm qua, Hội Cựu TNXP xã đều được cấp trên công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, một trong những đơn vị được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất cho hội viên, bà còn vận động các hội viên cùng tham gia tập thể dục dưỡng sinh để giữ gìn sức khỏe. Bà còn là Đội phó Đội Lân nữ Lương Hòa. Trước đây, bà tham gia biểu diễn ở nhiều sự kiện, nay làm công tác tổ chức và vận động kinh phí cho đội lân đi lưu diễn nhiều nơi, phục vụ các sự kiện chính trị ở các địa phương. Đây là đội lân nữ duy nhất ở Việt Nam đã được được xác lập kỷ lục. Tiền thân là Đội lân do Nữ tướng Nguyễn Thị Định thành lập năm 1982 được duy trì đến nay (thay đổi các thế hệ).
Nữ thương binh Nguyễn Thị Vui đã có một quá trình dài tham gia các hoạt động xã hội. Bà cho rằng đó là trách nhiệm của bản thân với những người đã hy sinh trong kháng chiến, trong đó có cả những đồng đội của bà cho chúng ta cuộc sống tự do, hạnh phúc như hôm nay. Đồng thời, khi làm được việc có ích cho cộng đồng, bà thấy cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa, lòng thật vui. Với những đóng góp thiết thực, bà đã nhận được bằng khen của Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam với thành tích xuất sắc trong hoạt động và xây dựng Hội (năm 2014); bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã tích cực vận động, ủng hộ vật chất xây dựng giao thông nông thôn tại huyện Giồng Trôm (năm 2014) cùng nhiều giấy khen của Hội Cựu TNXP tỉnh và UBND huyện Giồng Trôm.