Mặt trận Tổ quốc các cấp tập trung cao cho công tác dân chủ cơ sở

16/11/2010 - 17:09
Qua tổng kết 15 năm thực hiện phong trào thi đua yêu nước, nhiều tập thể, cá nhân trong các tôn giáo đã được tuyên dương khen thưởng. Ảnh: Thanh Long

Thực hiện dân chủ ở cơ sở là một trong những chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước ta triển khai thực hiện trong thời gian qua, cụ thể là từ khi có Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã cụ thể hóa bằng pháp lệnh, nghị định để tổ chức thực hiện. Trong đó, việc thực hiện qui chế dân chủ cơ sở (QCDCCS) theo tinh thần Nghị định số 79/2003/NĐ-CP (nay là pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn) trong những năm qua được Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên phối hợp thực hiện đạt kết quả.

Được sự hướng dẫn, đôn đốc thường xuyên của Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh, các cấp MTTQ đã triển khai, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị định số 79/2003/NĐ-CP và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn liên tục bằng nhiều hình thức, nhằm giúp cho người dân hiểu được quyền cũng như trách nhiệm của mình trong việc phát huy dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là dân chủ trực tiếp trong việc tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng tính tự quản ở cộng đồng dân cư, trong việc giám sát cán bộ, đảng viên; hiểu rõ những nội dung nào chính quyền có trách nhiệm thông báo để nhân dân biết, những nội dung nào nhân dân tham gia giám sát hoặc tham gia ý kiến trước khi chính quyền quyết định… Từ sự nhận thức và phát huy tốt tính dân chủ trực tiếp cũng như gián tiếp của người dân, chính quyền càng có trách nhiệm thực hiện tốt các nội dung mà Nghị định 79/2003/NĐ-CP  và Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH đã quy định.

Bên cạnh đó, để công tác Mặt trận tham gia thực hiện QCDC  (nay là Pháp lệnh 34) ở cơ sở đi vào nề nếp, có thực chất, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã phối hợp, tham mưu giúp Ban chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh ban hành “quy chế mẫu” nhằm tạo cơ chế phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên với chính quyền cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện các công việc cụ thể. Đến nay, tất cả 164/164 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên với chính quyền về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Từ cơ sở quy chế phối hợp này, nhiều nội dung của pháp lệnh thực hiện dân chủ được tổ chức thực hiện tốt hơn, khắc phục được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các bên.

Ngoài ra, Mặt trận đã phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn cơ sở xây dựng và ban hành các bản quy ước, hương ước ở nông thôn theo hướng dẫn liên tịch giữa Mặt trận và các sở: Tư pháp, Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch đảm bảo đúng quy trình và không trái với pháp luật, đạo đức xã hội. Đến nay, toàn tỉnh đã có 940 bản quy ước ở khu dân cư được ban hành đúng quy định, quy trình và triển khai thực hiện trong thực tế, góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội ở địa bàn dân cư, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết hơn.

Về công tác lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do HĐND cấp xã bầu và chức danh trưởng ấp (khu phố) theo tinh thần Thông tri 06/TTr-MTTW và chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND cấp xã theo tinh thần Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT/CP-UBTWMTTQVN cũng được Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp với các ngành chức năng thực hiện khá tốt. Cụ thể, qua 3 lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh theo quy định, ban thường trực UBMTTQ cấp xã đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2.998 chức danh theo quy định. Trong đó trưởng ấp, khu phố là 1.759 vị và 1.239 vị là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Mặt trận còn góp phần thiết thực trong việc xây dựng Đảng, chính quyền, thông qua đó chọn lựa cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, đạo đức nắm giữ các chức danh chủ chốt ở cơ sở.

Quí IV năm 2010, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đang tiếp tục thực hiện công tác lấy phiếu tín nhiệm các chức danh nêu trên theo quy định. Ngoài ra, MTTQ các cấp còn tổ chức hội nghị nhân dân ở khu dân  cư để nhân dân góp ý kiến đối với các bản kiểm điểm, tự phê bình của chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã và trưởng ấp, khu phố. Thông qua đó, nhân dân thực hiện và phát huy khá tốt quyền dân chủ trực tiếp của mình, mạnh dạn và thẳng thắn trong việc đóng góp, xây dựng chính quyền về chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như phẩm chất, đạo đức cá nhân của chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã và trưởng ấp (khu phố), tạo sinh khí phấn khởi, dân chủ ở cơ sở.

Qua việc tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt, vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc nói chung và hoạt động giám sát của Mặt trận nói riêng được phát huy, nâng lên rõ rệt, khắc phục dân chủ hình thức. Việc làm trên đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, được nhân dân đồng thuận.

Nguyễn Hải Hà

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN