Minh bạch tài sản, thu nhập dễ hay khó?

10/10/2011 - 06:12

Cuối tháng 9 đầu tháng 10-2011 thời tiết diễn biến bất thường và khó lường. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua cơn lũ khắc nghiệt gây thiệt hại lớn về tài sản. Thế mà trước đây, khi vào đầu mùa lũ, có cơ quan báo chí lại gọi đây là “mùa lũ đẹp”. Rõ ràng, khi nhận định về một hiện tượng mới phát sinh cần cẩn trọng!

Đối phó với lũ chẳng khác nào “đánh giặc”. Chống tham nhũng cũng là đánh giặc - “giặc nội xâm”. Đảng, Chính phủ đã và sẽ có chủ trương quyết liệt hơn, cụ thể hơn trong thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành từ cuối năm 2005. Từ ngày 30-9-2011 Nghị định số 68 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập có hiệu lực thi hành. Nội dung Nghị định có nhiều điểm mới về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37 ban hành từ năm 2007.

Điểm mới nhất và cũng là điểm dễ đụng chạm đến “lòng trắc ẩn” của nhiều cán bộ, công chức có chức, có quyền giàu lên bất ngờ nhờ tài sản bất minh là Mục 5, Khoản 3, Điều 1 của Nghị định 68. Theo đó, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Chẳng hạn, từng người trong Ban Giám hiệu phải công khai tài sản, thu nhập trước cán bộ, giáo viên toàn trường; Ban Giám đốc, kế toán trưởng công khai tài sản, thu nhập trước cán bộ, công nhân trong công ty. Nghị định cũng qui định rõ có hai hình thức công khai, hoặc là công khai tại cuộc họp, hoặc là niêm yết bản kê khai tài sản, thu nhập tại trụ sở làm việc. Việc chọn thời điểm công khai chỉ giới hạn từ ngày 31 tháng 12 năm kê khai đến 31 tháng 3 năm sau và phải “bảo đảm thời gian công khai tối thiểu 30 ngày”. Như vậy, “bàn dân thiên hạ” trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước lần đầu tiên có dịp biết về các vị lãnh đạo ở một khía cạnh tế nhị mà trước đây chỉ có cơ quan có thẩm quyền được biết. Điều dễ xảy ra khi mọi người đứng trước bản kê khai tài sản, thu nhập của lãnh đạo từ trưởng, phó phòng trở lên là “dân biết, dân bàn”… Cán bộ, công chức và người dân không bàn sao được khi có trường hợp người có chức có quyền làm việc, cống hiến mấy chục năm, thành tích cũng nhiều mà tài sản chẳng có là bao. Lại có trường hợp cán bộ lãnh đạo chức vụ nhỏ hơn nhưng khối tài sản lại to hơn đến bất ngờ, nào là nhà, đất đai, ô tô, cổ phần, vàng, ngoại tệ…

Vấn đề đặt ra là minh bạch tài sản, thu nhập dễ hay khó? Có thể trả lời ngay rằng, việc này dễ đối với người có đức tính trung thực và quen sống trung thực, trung thực với tổ chức, với gia đình và với chính mình. Việc cá nhân có tài sản do cha mẹ để lại, người thân cho, đầu tư sản xuất kinh doanh và sinh lợi, mọi nguồn thu, nguồn gốc tài sản đều minh bạch thì dù có giàu cũng không phải giấu giếm. Làm giàu chính đáng mà trở nên giàu có là điều xã hội công nhận và khuyến khích. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nhấn mạnh: “Phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tăng cường đồng thuận xã hội”.

Ngược lại, kê khai tài sản, thu nhập đối với cán bộ có chức, có quyền, có tài sản không minh bạch, không chính đáng thì không dễ chút nào! Xã hội đã bức xúc với các bệnh chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy bằng cấp, chạy thành tích thì tất yếu cũng bức xúc với những người nhận tiền, “quà”, “phong bì” của người có “bệnh” chạy đủ thứ nêu trên. Trong khi đa số cán bộ, công chức chật vật sống bằng đồng lương hàng tháng, thì có một số cán bộ giàu lên một cách bất thường. Người có tài sản, thu nhập không minh bạch cũng có nhiều cách để “lách luật”, hoặc biện hộ về nguồn gốc tài sản. Song, cơ quan có thẩm quyền cũng có giải pháp đồng bộ và quyết liệt “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” để phanh phui, đưa những hành vi tham ô, tham nhũng ra ánh sáng công lý. Công tác đánh giá cán bộ coi việc kê khai tài sản, thu nhập là một tiêu chí đánh giá sự trung thực. Việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, bãi nhiệm cán bộ cần quan tâm nhiều hơn đến việc cán bộ thực hiện Nghị định số 68 của Chính phủ có nghiêm túc hay không?

Minh bạch tài sản, thu nhập là một tiêu chí quan trọng trong xã hội hiện đại, văn minh, góp phần tích cực xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa, làm trong sạch bộ máy tổ chức và nhân sự. Cán bộ, công chức, đảng viên trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập nếu không thực sự nghiêm túc, không trung thực, có hiện tượng tẩu tán tài sản hoặc hành vi bất chính khác sẽ bị cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, xử lý theo luật pháp và qui định của Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Ngày cuối cùng của tháng 11 sắp tới là thời điểm các cơ quan, tổ chức triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2011 và lựa chọn quyết định hình thức công bố bản kê khai tài sản, thu nhập của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm thực hiện công việc quan trọng này. Cán bộ chủ chốt, đảng viên trong diện kê khai minh bạch tài sản, thu nhập cần làm tốt nghĩa vụ của mình và chịu trách nhiệm về tính trung thực của bản kê khai này. Đó cũng là hành động cụ thể thực hiện nghiêm Nghị quyết của Đảng, “thực hiện có hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo qui định”.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN