 |
Thu hoạch măng cụt ở xã Phú Mỹ. |
Trong 6 tháng đầu năm 2013, kinh tế huyện Mỏ Cày Bắc luôn đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy năm 2013.
Theo ông Lê Kiến Tính - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, sản xuất nông nghiệp trong 6 tháng vừa qua tuy gặp khó khăn nhưng vẫn ổn định. Giá trị sản xuất ước tính đạt 340 tỷ đồng. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Diện tích dừa tăng gần 8.600ha, sản lượng đạt khoảng 28,5 triệu trái/năm. Nông dân đang tập trung diệt bọ vòi voi hại dừa. Diện tích cây ăn trái không tăng nhưng phát triển theo hướng chuyên canh, tập trung nhiều vào cam và bưởi. Nhà vườn rất phấn khởi vì sâu hồng (đục trái bưởi) đã giảm. Diện tích cây ăn trái đạt gần 3.000ha, sản lượng gần 9.700 tấn mỗi năm. Bên cạnh đó, nông dân các xã Tân Thanh Tây, Phước Mỹ Trung, Hưng Khánh Trung A, Tân Phú Tây phát triển cây giống với tổng diện tích 112ha. Hoa, kiểng ngày càng phát triển mạnh ở các xã: Hưng Khánh Trung A, Phú Mỹ, Phước Mỹ Trung, Thạnh Ngãi (tổng diện tích hoa: 29ha, kiểng: 120ha). Hoa màu toàn huyện có gần 450ha, sản lượng gần 6.300 tấn hàng năm, trong đó có gần 40ha chuyên canh (nhiều nhất là hành lá: 216ha) tập trung ở các xã Nhuận Phú Tân, Tân Thanh Tây, Khánh Thạnh Tân. Đàn heo giảm còn khoảng 90.000 con; do giá heo giảm trong thời gian dài, không ít hộ đã bỏ nghề nuôi heo. Đàn bò giảm còn 10.000 con nhưng giá bò đang lên; giá bò con cũng tăng, nên nông dân không đủ vốn đầu tư (1 con bò con khoảng 10 triệu đồng). Đàn gia cầm phát triển rất nhanh với 680.000 con, nhiều nhất là gà thả vườn ở các xã: Tân Phú Tây, Thạnh Ngãi và Phú Mỹ. Đến nay, toàn huyện có 77 mô hình trang trại (chủ yếu nuôi heo). Huyện hình thành mới 3 tổ hợp tác ở Khánh Thạnh Tân, Thành An và Tân Phú Tây.
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt khá; giá trị sản xuất ước đạt gần 144 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 907 cơ sở (tăng 81 so với cùng kỳ năm 2012), giải quyết việc làm cho gần 3.500 lao động tại địa phương. Thương mại - dịch vụ tăng khá nhanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ ước đạt gần 207 tỷ đồng. Huyện đang xây dựng nhà lồng chợ Thanh Tân và chợ Giồng Keo (Tân Bình). Khối lượng vận tải hàng hóa tăng 6%, luân chuyển hàng hóa tăng 6,8%, vận tải hành khách tăng 11,3% và luân chuyển hành khách tăng 12,1%. Hoạt động ngân hàng trên địa bàn có chuyển biến tích cực, tín dụng tăng trưởng, nợ xấu ở mức thấp. Tổng dư nợ ở các chi nhánh ngân hàng trong huyện gần 410 tỷ đồng, tổng vốn huy động gần 240 tỷ đồng, nợ xấu chỉ có 0,5% trên tổng dư nợ.
Trong phương hướng từ nay đến cuối năm, huyện tập trung tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh; đặc biệt quan tâm sản xuất nông nghiệp, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, nhất là các cơ sở chăn nuôi.