Mỏ Cày Nam đẩy mạnh xuất khẩu lao động để giảm nghèo

05/12/2018 - 06:57

BDK - Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp thoát nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Mỏ Cày Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho những người có nhu cầu đi XKLĐ. Từ đó, nhiều gia đình có người đi XKLĐ đã thoát nghèo bền vững và vươn lên khá, giàu.

Gia đình anh Trần Văn Phương và cán bộ xã bàn về chuyện  đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Ngọc Vũ

Gia đình anh Trần Văn Phương và cán bộ xã bàn về chuyện  đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Ngọc Vũ

Gia đình anh Trần Văn Phương, ở ấp An Trạch Đông, xã Thành Thới A có một người con trai tham gia XKLĐ. Anh Phương cho biết: Qua tuyên truyền của chính quyền địa phương, nhận thấy lợi ích của việc XKLĐ, sau khi con xuất ngũ trở về địa phương, anh đã động viên con đi XKLĐ và được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay ưu đãi 50 triệu đồng để đăng ký XKLĐ 3 năm tại Nhật Bản. Nay công việc của con anh đã ổn định và tích góp gửi về nhà một số tiền kha khá. Cuộc sống gia đình anh giờ ổn định hơn trước. Anh Phương tâm sự: “Sau 3 năm lao động, con tôi tích lũy được một số vốn kha khá để lo cho tương lai sau này”.

Là hội viên nông dân của xã Thành Thới A, anh Đỗ Văn Nhơn ở ấp An Trạch Đông trước đây thuộc diện hộ nghèo lại không có đất sản xuất. Nhờ nguồn vốn vay hơn 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, con gái lớn của anh sau khi tốt nghiệp cấp 3 đã lên đường sang Nhật Bản lao động. Tuy chỉ mới gần một năm, nhưng với số tiền hơn 20 triệu đồng mỗi tháng con gái gửi về, kinh tế gia đình anh đã có nhiều khởi sắc. Anh đã tự nguyện đăng ký thoát nghèo, cũng như trả được một phần vốn vay và mua 1 con bò để nuôi. Dự định sang năm sau, anh sẽ xây lại căn nhà mới khang trang hơn. Anh Đỗ Văn Nhơn phấn khởi cho biết: “Vợ chồng tôi đăng ký thoát nghèo để nhường sự hỗ trợ hộ nghèo cho các gia đình khác khó khăn hơn. Có được như hôm nay, tất cả đều nhờ vào con gái đi XKLĐ”.

Trong 9 tháng năm 2018, toàn huyện có 95 lao động XKLĐ, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Để người lao động có thể lựa chọn được công việc phù hợp, huyện đã phối hợp với các công ty có giấy phép tuyển dụng lao động đi XKLĐ tổ chức các hội nghị tư vấn để cung cấp thông tin tuyển dụng đến người dân có nhu cầu. Đồng thời, giải quyết nhanh chóng các thủ tục, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong thời gian chuẩn bị XKLĐ.

Ông Lữ Hoàng Văn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A cho biết: Là một trong những hội, đoàn thể nhận nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện để triển khai thực hiện 6 chương trình cho vay ưu đãi; trong đó, chương trình XKLĐ thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Nhiều người đi XKLĐ gửi tiền về cho gia đình ở quê nhà ổn định cuộc sống, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững. Hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về tính hiệu quả của XKLĐ; đồng thời, vận động gia đình hội viên và nhân dân tích cực tham gia để cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt tiêu chí giảm nghèo và thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Bà Ngô Thị Thanh Tâm - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện Mỏ Cày Nam cho biết: Trong các chương trình cho vay mà đơn vị đang triển khai thực hiện thì chương trình XKLĐ đã mang lại hiệu quả khả thi nhất. Bên cạnh việc phối hợp với ngành chức năng và địa phương thực hiện công tác tuyên truyền bề nổi thì đơn vị cũng sẽ đồng hành cùng người dân thông qua chương trình cho vay tín dụng ưu đãi. Trung bình, 1 chỉ tiêu đăng ký tham gia XKLĐ sẽ được hỗ trợ hơn 100 triệu đồng từ các nguồn.

Ngọc Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN