 |
Minh Đức (Mỏ Cày Nam) đã bê-tông hóa gần 100% đường giao thông liên xóm, liên ấp. Ảnh: H.Vũ |
Sau khi tiếp thu Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị (khóa X) và Kế hoạch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Mỏ Cày Nam ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” huyện.
Theo đó, huyện xây dựng qui chế hoạt động, chọn điểm để chỉ đạo thực hiện và phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban Chỉ đạo trực tiếp phụ trách. Huyện chọn 4 xã (An Thới, An Thạnh, Cẩm Sơn và Thị trấn) và 4 ngành huyện (Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh và Trường THPT Chêguêvara) làm điểm chỉ đạo thực hiện.
4 năm qua, huyện triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Cuộc vận động) gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị và việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời, lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị làm mục tiêu cho Cuộc vận động. Sau học tập, cán bộ, đảng viên viết bản thu hoạch, tự liên hệ bản thân và đề ra biện pháp khắc phục khuyết điểm (nếu có). Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương, đơn vị đều xây dựng chuẩn mực đạo đức theo tấm gương của Bác. Nội dung chuẩn mực đạo đức được xây dựng cụ thể, phù hợp với từng ngành, địa phương. Ngành công an thực hiện những chuẩn mực theo hướng dẫn chung của Ban Chỉ đạo huyện kết hợp với 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; ngành giáo dục gắn Cuộc vận động với Cuộc vận động Hai không do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động; ngành y tế gắn với việc thực hiện 12 điều y đức; Đoàn Thanh niên cụ thể hóa bằng phong trào Tuổi trẻ Mỏ Cày Nam học tập và làm theo lời Bác, Thiếu nhi Mỏ Cày Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy; Trường THPT Chêguêvara và xã An Thạnh đưa tài liệu Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy soạn) vào tiết học chính khóa của bộ môn giáo dục công dân. Một số trường phổ thông chưa đưa nội dung này vào chính khóa đã linh hoạt lồng ghép thông qua các hình thức: kể chuyện về Bác dưới cờ, nêu gương người tốt, việc tốt… Theo từng chuyên đề, từng năm, từ hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến những buổi sinh hoạt chi bộ…, Cuộc vận động dần lan tỏa vào cộng đồng.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nguyễn Văn Bé Tư cho biết: “Hầu hết các đơn vị điểm có sự chuyển biến tích cực. Các đồng chí được phân công phụ trách và chỉ đạo điểm thường xuyên gắn bó, giúp cho đơn vị điểm khắc phục hạn chế, để từng bước đưa Cuộc vận động đi vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến trên các lĩnh vực”. Trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo huyện thực hiện tốt việc chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, khảo sát việc thực hiện ở cơ sở. Qua kiểm tra, đã phát hiện những sai sót, yếu kém, giúp cấp ủy có chỉ đạo, uốn nắn kịp thời.
Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Chỉ đạo huyện, các đơn vị, địa phương tổ chức lấy ý kiến của quần chúng đối với đảng viên khá chu đáo, đảm bảo tính dân chủ, khách quan từ khâu chuẩn bị đến khâu thực hiện. Đặc biệt, ngành giáo dục ngoài việc thực hiện theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo về việc lấy ý kiến của quần chúng cho đảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý, còn lấy ý kiến của đại diện phụ huynh học sinh theo tinh thần Công văn số 351 của Sở Giáo dục và Đào tạo (về việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động). Khi sử dụng phiếu lấy ý kiến quần chúng theo mẫu của Trung ương, trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm (do phiếu của Trung ương không có nêu tên của đảng viên vi phạm), chi ủy tiếp tục lấy ý kiến theo mẫu của Ban Chỉ đạo huyện, để xác định đúng người vi phạm. Do đó, một số trường hợp đảng viên vi phạm được chi bộ làm rõ. Điều này thể hiện sự tôn trọng ý kiến của quần chúng và là cơ sở quan trọng để huyện thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới. Không những vậy, Cuộc vận động đã tác động tích cực đến công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; năm 2009 có 3.768/3.804 đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ; có 54/57 tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh.
Bí thư Huyện ủy kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo huyện Nguyễn Công Định phấn khởi khi nhìn lại 4 năm thực hiện Cuộc vận động của huyện: Cuộc vận động đã tác động, làm chuyển biến tích cực ý thức tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là lề lối làm việc được chấn chỉnh theo hướng sát với công việc. Từng cơ quan, đơn vị, cá nhân có ý thức tiết kiệm hơn về thời gian cũng như vật chất… Đến nay, huyện có 115 tập thể và 338 cá nhân điển hình trong “học tập” và “làm theo” Bác. Trong phạm vi bài viết, có thể kể đến: Chi hội Cựu chiến binh ấp An Quy “không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của chi hội, từ trung bình khá vươn lên vững mạnh”; mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Liễu “gương mẫu trong mọi phong trào tại địa phương”; nông dân Phạm Văn Le “chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả”; thương binh Lê Tiền Phong “luôn giữ vững và phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ”; sư cô Thích nữ Chơn Nguyên “tích cực làm công tác từ thiện”…
Bên cạnh những kết quả, việc thực hiện Cuộc vận động còn một số hạn chế nhất định, được Ban Chỉ đạo huyện kịp thời chấn chỉnh: Thời gian đầu, một số cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ, nên cho rằng Cuộc vận động chỉ cần thiết cho cán bộ, đảng viên là lãnh đạo, quản lý; một số cán bộ, đảng viên viết bản thu hoạch sơ sài, đưa ra phương hướng chung chung, khó thực hiện; những đảng viên có khuyết điểm chưa định thời gian cụ thể để khắc phục và khắc phục khuyết điểm còn chậm; nhiều địa phương, đơn vị xây dựng chuẩn mực đạo đức còn nặng hình thức…
Về việc thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Công Định cho biết, học tập và làm theo Bác là một việc làm lâu dài, chỉ có khởi đầu, không có kết thúc. Vì vậy, ở huyện Mỏ Cày Nam, Cuộc vận động được thực hiện đồng thời với các phong trào, thể hiện được ý Đảng, lòng dân.