Mô hình “Dân vận khéo” ở ấp Bình Xuân

21/09/2012 - 07:47
Mô hình xử lý nước sạch trong sinh hoạt tại hộ gia đình ở ấp Bình Xuân.

Hội Nông dân huyện Giồng Trôm làm nòng cốt trong triển khai thực hiện mô hình “Dân vận khéo” tại ấp Bình Xuân (xã Châu Bình), đã tác động tích cực đến quá trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM).

Ấp Bình Xuân có tổng số 207 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm 11% hộ dân trong ấp. Đời sống kinh tế của người dân chủ yếu là dừa, lúa, mía kết hợp chăn nuôi. Trong ấp vẫn còn tình trạng cầu tiêu ao cá, hoặc lấy nước kênh để sinh hoạt trong gia đình. Do vậy, Hội Nông dân huyện đã chọn ấp Bình Xuân để chỉ đạo thực hiện vận động hộ dân đảm bảo vệ sinh môi trường và giảm nghèo. Năm 2012, ấp Bình Xuân đề ra chỉ tiêu vận động 80% hộ xây dựng hố xí tự hoại, 70% hộ chăn nuôi sử dụng hầm bioga, 75% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đồng thời, vận động người trong độ tuổi lao động tham gia học nghề, để có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Qua thời gian tích cực vận động thực hiện, đến nay, trên địa bàn ấp Bình Xuân không còn tình trạng người dân vứt rác sinh hoạt và chất thải chăn nuôi ra dòng kênh, mà đã tiêu hủy tại gia đình. Mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi, xây hố xí tự hoại, lắp đặt bình lọc nước sạch... đã được đa số người dân địa phương thực hiện, nâng tổng số toàn ấp có 60% hộ sử dụng hầm bioga và xây hầm khí sinh học, 98% hộ sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt gia đình, 30% hộ xây hố xí tự hoại. Ngoài ra, nhằm tạo việc làm cho nhân dân, ấp đã mở 2 lớp may công nghiệp, có 51 lao động tham gia học, giới thiệu 25 người vào tổ may gia công hàng xuất khẩu, với mức thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đồng đến 2,2 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều hộ nghèo trong ấp được các hộ nông dân sản xuất giỏi nhận trợ giúp kinh nghiệm thoát nghèo, đã có 10/23 hộ chuẩn bị đề nghị bình xét thoát nghèo năm 2012. Điển hình là hộ anh Đỗ Thành Cuộc và hộ chị Trần Thị Nhanh, đều là hộ nghèo của ấp Bình Xuân. Cả hai hộ được chị Trần Thị Đẹt (nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương) nhận hỗ trợ để thoát nghèo.

Hộ anh Đỗ Thành Cuộc có 5 nhân khẩu, không đất sản xuất. Hai vợ chồng anh phải đi làm mướn để nuôi sống gia đình và cho ba đứa con đi học. Đầu năm 2012, Chương trình tiếp sức nhà nông đã hỗ trợ gia đình anh 12 triệu đồng để nuôi gà thả vườn và vịt đàn. Cũng dịp này, gia đình anh được xã xét xây tặng một nhà tình thương (diện 167). Chị Đẹt là người láng giềng của hộ anh Cuộc, thỉnh thoảng đến kiểm tra, nhắc nhở anh Cuộc về cách thức chăn nuôi, để đàn gà mau lớn. Bên cạnh đó,  đầu năm học này, chị còn cho gia đình anh Cuộc mượn 1 triệu đồng để mua sách vở và áo quần cho ba đứa con nhập học.

Hoặc như hoàn cảnh của hộ chị Trần Thị Nhanh, nhà nghèo không đất sản xuất, sống nghề mua bán nuôi hai con nhỏ. Chị Đẹt đã cho chị Nhanh mượn một ít vốn để mở rộng mua bán. Đầu năm 2012, chị Đẹt còn giới thiệu cho chị Nhanh vào Tổ may gia công của ấp, mỗi tháng thu nhập khoảng 1,8 triệu đồng.  

Ông  Nguyễn  Văn  Đậm  -  Chủ  tịch  Hội  Nông  dân  huyện  Giồng Trôm cho  biết: Mô hình “Dân vận khéo” ở ấp Bình Xuân mở ra một hướng đi mới cho phong trào xây dựng NTM. Trước đây, phần lớn vệ sinh môi trường nông thôn ấp bị ô nhiễm do chất thải chăn nuôi, nay đã trả lại sự trong sạch cho dòng nước. Đa số hộ dân đều ý thức sử dụng nước đã qua lắng lọc và xây nhà vệ sinh tự hoại. Ấp cũng đã thành lập các tổ, nhóm may gia công, giúp giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho số lao động nhàn rỗi.

Phong trào phát huy được hiệu quả là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Nông dân xã Châu Bình với Chi ủy ấp Bình Xuân. Nội dung hoạt động được quán triệt sâu rộng trong nội bộ đảng viên và quần chúng nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên đã gương mẫu thực hiện, từ đó tạo được lòng tin với nhân dân, được đông đảo người dân hưởng ứng, tạo sự thành công của phong trào.

Bài, ảnh: Ngọc Châu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN