Anh Trần Đông Phú - Trưởng nhóm điều phối dự án chia sẻ kinh nghiệm giữa kỳ dự án tại Cần Thơ.
Theo tin từ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, mô hình lọc nước sinh học và trồng cây chùm ngây tại Bến Tre thuộc dự án “Phát huy nhân tố giới trong bảo vệ nguồn nước hạ lưu sông Mekong từ mô hình lọc nước bằng phương pháp màng sinh học và trồng cây chùm ngây ven sông, kênh rạch ở Cồn Tàu, xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại” do nhóm Sáng tạo khởi nghiệp Bến Tre đề xuất, UBND xã Tam Hiệp chủ quản vừa được ghi nhận là một sáng kiến cộng đồng tiêu biểu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Chương trình nằm trong khuôn khổ hoạt động nhằm tăng cường quản trị tài nguyên nước có sự tham gia của cộng đồng thuộc dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong quản trị tài nguyên nước tại đồng bằng sông Cửu Long” thực hiện bởi Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) thuộc Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-VN).
Với mục tiêu chuyển tải thông điệp kêu gọi phát huy nhân tố giới, thúc đẩy bảo vệ các dòng sông trước vấn nạn ô nhiễm, sạt lở do biến đổi khí hậu và con người gây ra, mô hình của Nhóm Sáng tạo khởi nghiệp Bến Tre thực hiện từ tháng 6-11-2018 tại xã Tam Hiệp được đánh giá là có tính biểu tượng cao trong truyền thông giáo dục bảo vệ nguồn nước - Mô hình lọc nước bằng phương pháp màng sinh học và trồng cây chùm ngây ven sông, kênh rạch. Thông qua mô hình mới có tính “kép” đã thúc đẩy hành động trong cộng đồng, giáo dục ý thức phát huy nhân tố giới. Đồng thời, nâng niu, gìn giữ các dòng sông, kênh rạch, nơi cung cấp nguồn nước trực tiếp cho người dân, xây dựng hệ sinh thái, tạo ra các vệt xanh bất tận dọc theo các dòng sông là những hàng cây chùm ngây tỏa bóng xanh bên các dòng sông rạch, con nương quanh nhà.
Được biết, những nỗ lực của nhóm thực hiện dự án và người dân xã Tam Hiệp được ghi nhận. Mô hình của Bến Tre đã được Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam quan tâm đánh giá cao.
Ông Hoàng Việt - Điều phối viên chương trình Biến đổi Khí hậu, Quản lý dự án thuộc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam cho biết: “Với những kết quả đặc biệt do Nhóm Sáng tạo khởi nghiệp Bến Tre thực hiện qua mô hình lọc nước sinh học bằng các phương thức đơn giản, sử dụng vật liệu ở địa phương… bà Anke Van Lanker - Phó đại sứ, Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tại Hà Nội rất ấn tượng và đã có kế hoạch đi tham quan mô hình ở Bến Tre...”
Dự kiến vào tháng 1-2019, Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tại Việt Nam sẽ tổ chức một hội thảo chuyên đề bàn về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long nhằm kết nối và phát huy các kết quả dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong quản trị tài nguyên nước tại đồng bằng sông Cửu Long” đã thực hiện 2 năm qua.
Chuyến thăm và làm việc của bà Phó đại sứ tại Bến Tre sắp tới còn là một bước để chuẩn bị cho hội thảo này.
Khôi Nguyên