Chỉ còn vài tháng nữa, Asian Indoor Games 3 sẽ diễn ra tại VN. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào sau thời gian khá ngắn hội nhập, TTVN được các quốc gia và vùng lãnh thổ trong châu lục tín nhiệm giao cho quyền đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao trong nhà châu Á - lần 3 năm 2009.
Thế nhưng trong vai trò là nước chủ nhà, ngoài các công tác chuẩn bị buộc phải khởi động kể từ sau khi được trao quyền đăng cai tổ chức, có một việc bề nổi rất dễ thấy nhưng hiện lại…ít được thấy!. Đó là khâu thông tin tuyên truyền, cổ động cho ĐH còn quá ít và chưa đúng “liều lượng” so với tầm một ĐH thể thao cấp châu lục.
Trong một dịp tình cờ trao đổi bên lề Hội nghị cộng tác viên Trang tin điện tử TDTT và lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí do Tổng cục TDTT tổ chức vào hạ tuần tháng 5/2009 tại TP Đà Nẳng, TS Lê Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng, nói với người viết: “Công tác thông tin tuyên truyền về A.I.G 3 dường như chưa được quan tâm đúng mức. Hiện người dân không thể tiếp cận đầy đủ thông tin về sự kiện thể thao trong đại nhất của TTVN sẽ diễn ra trên đất nước mình trong năm 2009. Tuy có thể là một sự so sánh khập khiễng, nhưng xin hãy thử nhìn lại Olympic Bắc Kinh 2008, Trung Quốc đã mở chiến dịch tuyên truyền từ trong nước cho đến ra khắp thế giới hình ảnh đất nước họ thông qua việc tổ chức ĐH thể thao lớn nhất hành tinh này như thế nào. Và sức hút cùng hiệu quả trên nhiều lĩnh vực của nó thì có lẽ mọi người cũng đã thấy”.
Quả thật, ý kiến của TS Sơn đáng để bộ phận thông tin, tuyên truyền của BTC ĐH phải suy nghĩ. Lẽ ra đến thời điểm hiện nay, không chi nhiều tầng lớp nhân dân trong nước mà cả đến các QG và vùng lãnh thổ thuộc châu Á hay rộng hơn đều có thể tiếp cận được một số thông tin cơ bản nhất về A.I.G 3 tại VN như: logo, biểu trưng, linh vật, thời gian, địa điểm tổ chức ĐH, số môn thi đấu, số QG và vùng lãnh thổ đăng ký tham dự, dự kiến số lượng quan chức, HLV, VĐV, trọng tài, tình nguyện viên v.v. tham gia, bên cạnh việc lồng ghép quảng bá các hình ảnh về sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường đầu tư, danh lam thắng cảnh tại VN v. v. nhằm góp phần thu hút sự quan tâm của công luận trong nước và kéo các nhà đầu tư nước ngoài cùng du khách khắp nơi xích lại gần VN hơn.
Cũng theo TS Lê Hồng Sơn, nếu gặp trở ngại về kinh phí từ ngân sách Nhà nước, BTC ĐH có thể huy động các nguồn từ công tác xã hội hóa. Từ việc biên tập, chọn lựa nội dung các khẩu hiệu tuyên truyền cho đến in ấn áp phích, tờ rơi, băng rôn, pano tuyên truyền gửi đến các địa phương (kể cả trên các tuyến vận tải bằng đường hàng không, tàu hỏa quốc nội và quốc tế...); chạy chử và đưa các hình ảnh sống động về hai kỳ ĐH trước cũng như giới thiệu việc chuẩn bị đăng cai tổ chức ĐH này tại một số địa điểm, giới thiệu về đất nước – con người VN... do BTC ĐH chịu trách nhiệm chính, gắn với việc kết hợp nguồn tài trợ của các doanh nghiệp nhằm quảng bá về hình ảnh thương hiệu của họ trên các phương tiện truyền thông, chắc chắn điều này sẽ đem lại hiệu quả to lớn, thiết thực cho nhiều phía.
Từ một số đề xuất và giải pháp đơn giản nhưng nếu được tiếp nhận để có thể tiến hành đồng bộ, kịp thời và năng động, biết đâu nó sẽ góp phần không nhỏ vào sự thành công chung của A.I.G 3 – 2009 lần đầu tiên được tổ chức tại VN?.