Để đến được với vòng thi chung khảo toàn quốc Hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tất cả 15 thí sinh là những đại diện xuất sắc nhất được lựa chọn từ các khu vực trong và ngoài nước. Mỗi câu chuyện được kể bằng cả trái tim cảm phục, yêu mến đối với Bác Hồ kính yêu.
Với trang phục truyền thống duyên dáng của dân tộc Tày, Bế Hương Loan, cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn đã mở đầu Hội thi với câu chuyện: “Đôi dép Bác Hồ”. Chị nói, thông qua câu chuyện, chị đã học được sự tiết kiệm, giản dị của Bác. Thông qua công việc, chị học được ở Bác sự ngăn nắp, lập kế hoạch và kiểm điểm bản thân sau mỗi công việc.
Loan tâm sự: “Để nhân rộng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bản thân tôi phải tự rèn luyện mình và cùng với các cán bộ, nhân viên trong cơ quan làm tốt Cuộc vận động này. Chúng tôi tiết kiệm từ giấy in, mực in đến cách dùng điện nước trong cơ quan. Hơn nữa, việc lập cho mình một kế hoạch chi tiết, cụ thể để làm tốt cũng đã tiết kiệm được khá nhiều thời gian.
Thông qua cuộc thi, tôi thấy mình tự tin hơn, tích luỹ được nhiều kinh nghiệp hơn để hoàn thiện mình hơn. Những đức tính và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng khó phai trong tôi và đó chính là hành trang để cho tôi có thể sống và làm việc tốt hơn.”
Mai Hương, sinh năm 1980 đến từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu với câu chuyện “Chữ “quan liêu” viết thế nào?”. Tuy câu chuyện của chị kể trùng với chuyện mà anh Thịnh đã chọn, nhưng với sự tự tin và phần thể hiện truyền cảm, chị đã đem đến cho người nghe những cảm xúc mới mẻ. Phần liên hệ khá sắc sảo nên được nhiều khán giả tích điểm cho phần đánh giá. Nhưng kết quả cụ thể còn phải chờ đến tối ngày hôm nay.
Khác với các thí sinh áo dài, đánh phấn, vấn tóc… Ni cô Thích Đàm Ngọc đã để lại ấn tượng đặc biệt sâu đậm đối với Ban giám khảo và những người có mặt bởi hình ảnh chiếc áo nâu trầm. Câu chuyện ni cô đem đến Hội thi là “Phải biết quan tâm đến mọi người hơn”. Đó cũng chính là triết lý nhân ái của đạo Phật, sống vì mọi người. Chất giọng trầm trầm, ni cô đã thể hiện thành công câu chuyện của mình. Những dẫn chứng phần liên hệ của ni cô khiến nhiều người không giấu được nước mắt. Cô kể về những lần đi trao quà cho các cháu mồ côi, những mảnh đời éo le không nơi nương tựa, nhưng cửa chùa đã mở rộng từ bi giúp đỡ, nuôi dưỡng, hướng thiện cho nhiều người. Ni cô tâm sự, tôi đã cùng với các sư, ni cô trong chùa tích hưởng ứng các phong trào quyền góp tiền, vật chất để ủng hộ các mẹ Việt Nam Anh hùng, các nạn nhân chất độc da cam, những cháu bé, gia đình chung quanh có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân nguyện sống, lao động, học tập và rèn luyện để trở thành người công dân, người tu sỹ ích đạo lợi đời, nguyện góp một phần nhỏ bé của mình để xây dựng quốc gia, xã hội ngày thêm tịch lạc, đem an vui hạnh phúc đến với mỗi cuộc sống dân sinh như lòng Bác và đức Thế Tôn hằng mong muốn.
Với chất giọng dễ thương, Lê Thị Huyền, Trường Mầm non Sơn Ca, P.4, TP. Vũng Tàu đã kể lại câu chuyện “Ai ngoan sẽ được thưởng”. Chuyện tuy ngắn, nhưng ý nghĩa rất sâu xa. Là một giáo viên mầm non, cô càng thấm thía ý nghĩa của câu chuyện, qua đó giúp cô làm tròn trách nhiệm của một người mẹ thứ hai. Sự phân biệt, đối xử với con trẻ sao cho vừa công bằng, vừa khuyến khích, động viên kịp thời cho các em. Những bài học đó không có trong sách giáo khoa, không có trong giáo án, vậy mà cô lại học được ở trong chính câu chuyện về Bác. Đối với cô, Bác chính là một trường học lớn về đào tạo nhân cách con người, nếu ai biết tự rút ra bài học, tự vận dụng cho mình thì sẽ trưởng thành nhanh chóng. Chính sự biết ơn đối với Bác khiến cô thấy nghẹn ngào mỗi khi kể chuyện, tình cảm chân thật đó được truyền cảm đến cả những người nghe. Sự đồng cảm đó đã tạo nên thành công của cô qua những đợt thi lần trước, và giờ đây cũng đã tạo được ấn tượng tốt đối với Ban giáo khảo và những người có mặt tại Hội trường Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia.
Còn đối với Phan Thị Đông, người đang làm việc tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì hàng ngày được tiếp xúc với hàng trăm lượt người đến tham quan và vào lăng viếng Bác. Mỗi người một tâm trạng khác nhau, nhưng nhiều người đã khóc khi nhìn thấy hình ảnh của Bác. Những xúc động đó cũng chính là niềm cảm hứng, là động lực để chị có thể trình bày tốt câu chuyện “Bác Hồ với đồng bào, chiến sĩ miền Nam”. Chị nói, những bà con miền Nam ra Bắc viếng lăng Bác luôn có một tình cảm đặc biệt giành cho người. Có thể, đã quá lâu họ không được nhìn thấy Bác bằng xương, bằng thịt, cũng có thể, sự mong mỏi được gặp Người đã ấp ủ quá lâu. Và cũng chính bởi lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn giành những tình cảm sâu đạm cho đồng bào, chiến sỹ miền Nam. Người đã từng nói “miền Nam trong trái tim tôi”. Ngay cả trước lúc đi xa, người cũng còn băn khoăn, trăn trở lớn nhất khi thấy miền Nam “đi trước, về sau”, vì Bắc – Nam chưa xum họp một nhà.
15 thí sinh với 14 câu chuyện khác nhau, nhưng cùng nói lên lòng kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ. Những bài học rút ra từ những câu chuyện là bài học chung cho tất cả mọi người. Tất cả 15 thí sinh đều là những đại diện xuất sắc, do đó, cách trình bày cũng hết sức xuất sắc. Tuy nhiên, còn phải chờ vào quyết định cuối cùng của Ban giám khảo để có những giải chính thức vào tối hôm nay.