|
Chiếc bàn máy may này từng được dùng để may cờ, quần áo cho chiến sĩ cách mạng. Ảnh: NG.D |
Bảo tàng Bến Tre xác định hiện vật bảo tàng là nguồn sử liệu gốc, là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc nên đã tích cực tổ chức công tác sưu tầm, thu thập những hiện vật mang tính chất điển hình để trưng bày phục vụ nhân dân, góp phần hun đúc niềm tự hào truyền thống dân tộc, lòng yêu nước và sự tri ân đối với các anh hùng, liệt sĩ đồng thời phát huy truyền thống tốt đẹp ấy trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.
Bác Hồ kính yêu có sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp văn hóa, giáo dục nói chung, sự nghiệp bảo tồn bảo tàng nói riêng. Chỉ ba tháng sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, mặc dù còn bận nhiều việc nhưng Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh số 65 ngày 23-11-1945, quy định cụ thể việc bảo vệ tất cả các di tích lịch sử và văn hóa trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngày 20-1-1959, nhân dịp đến thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bác đánh giá: “Viện Bảo tàng là một trường học tốt về lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam”. Vì sao Bác đưa ra nhận định trên? Mỗi người chúng ta ngoài việc trau dồi kiến thức trong nhà trường còn cần đến những hình thức giáo dục xã hội khác. Bảo tàng là một trong những cơ quan thực hiện nhiệm vụ đó, là trường học lý tưởng của giáo dục xã hội cho nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau. Với nhiều hình thức hoạt động, Bảo tàng giúp người xem tiếp cận trực tiếp với hiện vật lịch sử và cảm thụ sâu sắc các giá trị tiêu biểu của hiện vật.
Bảo tàng Bến Tre ta trưng bày những sưu tập hiện vật quí giá như: trống, mõ, súng ngựa trời, tầm vông vạt nhọn, chông các loại… Chỉ là những vật dụng đơn giản, vũ khí thô sơ nhưng làm địch kinh hồn khiếp vía trong cuộc Đồng Khởi lịch sử năm xưa, mở ra một trang sử mới cho Cách mạng miền Nam, là niềm tự hào của nhân dân Bến Tre. Lòng dân xứ dừa đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu được chứng minh qua những hiện vật như: hình ảnh Bác, tài liệu nói về tiểu sử của Bác, tác phẩm của Bác, di chúc của Bác, tiền giấy có in chân dung Bác, cả những chiếc băng tang ngày Bác mất được đồng bào Bến Tre lưu giữ cẩn thận, bất chấp hiểm nguy trong vòng kềm kẹp, soi mói của kẻ thù. Đặc biệt, bác Bùi Văn Khuê ở ấp 1, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, một trong những chiến sĩ Nam bộ vinh dự được Bác Hồ tặng chiếc gậy tre vào năm 1950, chiếc gậy đơn sơ ấy được bác Khuê gìn giữ nâng niu trọn đời. Nhìn thấy kỷ vật này, bác Khuê lại nhớ đến lời Bác dạy, luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Sưu tập hiện vật chứng minh lòng dân đối với Đảng, với cách mạng ngoài hầm bí mật, hũ gạo nuôi quân, tờ biên lai đóng đảm phụ…còn có một hiện vật hết sức độc đáo, nói lên tấm lòng cũng như tài trí của nhân dân ta trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, đó là tấm bia mộ giả do ông Nguyễn Văn Chính (Tân Thủy, Ba Tri) đã làm để che mắt kẻ thù. Hầm bí mật được ông Chính xây lẫn trong khu mộ gia đình, bia mộ khắc tên Trần Thị Vĩnh Tồn là hầm bí mật nuôi giấu cán bộ an toàn từ năm 1960 đến 1964.
Bảo tàng cất công sưu tập những hiện vật được làm trong lao tù Mỹ - ngụy khá phong phú từ giỏ trầu đan thắt bằng dây điện, áo gối, khăn tay đến những lá thư viết trong tù... Bởi, đằng sau những hiện vật ấy là cả một quá trình gian khổ có khi phải đổi bằng máu để làm nên và cất giữ an toàn đến ngày giải phóng miền Nam.
Tình yêu đôi lứa, tình gia đình, chồng vợ trong chiến tranh cũng là một sưu tập quý giá của Bảo tàng đáng được nghiên cứu về ngôn ngữ - tình cảm mà “những người trong cuộc” đã trải qua và thể hiện trên những trang thư. Trong đó có thư của những nhân vật nổi tiếng như Phó Chủ tịch hội đồng Nhà nước Huỳnh Tấn Phát, nhà thơ chiến sĩ Lê Anh Xuân... Chúng ta hãy lắng nghe một đoạn thư của nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân viết ngày 29-9-1964 gửi cho cha mẹ để hiểu thêm tình yêu đối với gia đình, quê hương của nhà thơ – một thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh đã không chọn con đường dễ dàng ở lại miền Bắc làm giảng viên mà quyết tâm lên đường về Nam chiến đấu góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc: Ba má kính yêu của con! Con đã đọc bài thơ ba viết tặng cho con, con rất cảm động. Con sẽ mang theo bài thơ ấy dọc đường đi để tăng thêm sức chiến đấu. Con hứa với ba má là con sẽ xứng đáng với lòng tin yêu của ba má. Con đi tất nhiên con có lo lắng sợ không làm tròn trách nhiệm của Đảng giao cho, con lo sức khỏe sợ đi không đến nơi. Nhưng tất cả những lo lắng ấy không thể làm chùn bước con đi. Trước khi đi không gặp ba má, không gặp Xuân Lan, con có buồn nhưng con yên tâm ra đi vì ba má và những người thân yêu đang theo dõi bước con đi…
Lược qua một số sưu tập hiện vật của Bảo tàng, chúng tôi xin nêu lời Bác thay lời kết bài viết về việc Bảo tàng Bến Tre đang làm theo lời Bác dạy: “Bảo tàng Cách mạng như một cuốn sử cho ta thấy ông cha ta khó nhọc thế nào mới xây dựng nên đất nước tươi đẹp như ngày nay”.