Một cơ sở Đông y hết lòng vì người nghèo

01/03/2012 - 17:14
Lương y Hưng đang xem mạch cho bệnh nhân.

Mỗi ngày, Phòng Chẩn trị từ thiện của chùa Hưng An (thị trấn Ba Tri), do lương y Võ Văn Hưng làm chủ cơ sở, có hàng chục người đến trị bệnh. Bệnh nhân tới đây, đa số là những người mắc các chứng hiểm nghèo như: di chứng do tai biến, viêm khớp, đau nhức cột sống… Mỗi năm, nơi này khám, chữa bệnh miễn phí và đóng góp cho các hoạt động từ thiện xã hội hàng trăm triệu đồng. Hơn 25 năm gắn bó với nghề, lương y Hưng và các đồng sự luôn thể hiện đức tính tốt đẹp của người thầy thuốc.

Chúng tôi đến chùa Hưng An vào ngày cuối của tháng Giêng 2012. Trước sân, có nhiều thợ hồ đang tất bật với công việc đổ trụ bê-tông. Ông Lữ Văn Đái - Trưởng Ban y tế phước thiện chùa, hội viên Hội Đông y thị trấn Ba Tri hướng dẫn chúng tôi tham quan vòng quanh và cho biết: “Chính điện vừa mới được trùng tu hoàn thành vào trước Tết, hiện đang xây thêm một số phòng”. Phía sau chùa, có nhiều người đang chặt cây thuốc, cho vào nia (làm bằng tre) đem phơi. Ở chái nhà sau, một anh đang đứng bên máy bào, thong thả đặt cây thuốc vào lưỡi bào. Hương thơm nhè nhẹ từ các vị thuốc tỏa ra tạo nên cảm giác dễ chịu… Trong phòng khám, có một thanh niên đang chờ tới lượt mình. Hỏi chuyện, chúng tôi biết anh tên Tài (ngụ tại xã Phước Tuy). Anh tâm sự: “Đi khám ở bệnh viện, tôi biết mình bị thần kinh tọa và viêm gan siêu vi B. Nghe nhiều người nói, ở đây điều trị rất hay và không phải tốn tiền nên tôi đến để xin điều trị”. Anh Tài vừa dứt câu thì vội đến chỗ bàn khám vì vừa được nghe gọi tên mình. Tại ghế ngồi chờ lấy thuốc, chị Duyên (xã An Hiệp - Ba Tri) cho biết, qua kết quả chẩn đoán của Tây y, chị bị hở van tim hai lá và điều trị lâu không hết nên chuyển qua điều trị thuốc Nam đã hơn một tháng, đến nay chị đã thấy đỡ hơn và kiên trì uống thuốc để chữa bệnh…

Trước năm 1975, chùa Hưng An (Hưng An Tự) đã có phòng khám bệnh từ thiện. Năm 1985, phòng khám được đổi tên là Phòng Chẩn trị từ thiện chùa Hưng An. Năm 1990, lương y Võ Văn Hưng chính thức được cơ quan chức năng ra quyết định công nhận là chủ cơ sở. Lương y Võ Văn Hưng bộc bạch: “Theo tôi được biết, đã hơn 25 năm qua, cơ sở chẩn trị này không lấy tiền khám, chữa bệnh của ai mà tất cả đều được miễn phí, riêng đối với những trường hợp quá khó khăn, bệnh nhân còn được hỗ trợ tiền xe”. Tôi thắc mắc về kinh phí để cơ sở hoạt động, ông Hưng cho biết: Phòng chẩn trị được một số nhà hảo tâm hỗ trợ. Mặt khác, có những người khá giả tới đây trị bệnh, sau khi khỏi bệnh, đã trở lại đóng góp vào thùng từ thiện, để cơ sở có chi phí lo cho những người nghèo. Hàng tháng, sau khi mở niêm phong thùng từ thiện (được khoảng ba đến bốn triệu đồng), tiền này được dùng vào các khoản chi để mua các vị thuốc, trà, cơm nước cho những người ở xa tới phụ việc hái, phơi thuốc…

Tại phòng chẩn trị, lương y Hưng phụ trách chung, xem mạch bệnh nhân và ra toa thuốc. Các đồng sự gồm: sư cô Diệu Hạnh và cô Dính (lo việc bốc thuốc), chị Bé và anh Phon (châm cứu); ngoài ra, còn có một số người là bệnh nhân đã khỏi bệnh hoặc người thân của bệnh nhân cũng rất tích cực đóng góp công sức, hỗ trợ các công việc hái, phơi thuốc hàng ngày. Ông Lữ Văn Đái - Trưởng Ban y tế phước thiện chùa Hưng An cho biết: Phòng chẩn trị chỉ khám vào buổi sáng, vì buổi chiều còn phải chế biến thuốc nhưng lượng khách tới rất đông, mỗi ngày có khoảng 30 người. Bệnh nhân đa dạng, có một số người bệnh mãn tính hoặc có người đã điều trị Tây y nhưng chưa khỏi và chuyển sang Đông y, cũng có trường hợp bệnh nhân sau khi xét nghiệm, thử máu lấy kết quả xong và họ điều trị tại đây. Có thể kể trường hợp của ông Tiệp (60 tuổi, ngụ tại xã Phú Lễ), bị liệt dây thần kinh số 3, sụp mi mắt, không thể nhìn được, mỗi lần nói chuyện với người đối diện, ông phải dùng tay kéo mi mắt lên; sau khi điều trị hai tháng, ông Tiệp đã khỏi bệnh, có thể đi lại, lao động bình thường. Đầu năm 2009, bà L (thị trấn Ba Tri) bị thoát vị đĩa đệm và theo chẩn đoán của Tây y là phải phẫu thuật, bà L tới điều trị tại phòng khám trong thời gian khoảng ba tháng thì khỏi bệnh. Đến nay, bà L vẫn thường tới thăm và đóng góp hỗ trợ cơ sở. Hoặc trường hợp của chị Mai (35 tuổi, ngụ tại thị trấn Ba Tri làm nghề bán hàng rong), bị thoái hóa khớp, đã đến đây điều trị trong thời gian dài hơn 6 tháng và đã lành bệnh… Tổng kết công tác năm 2011, Phòng Chẩn trị từ thiện chùa Hưng An đã khám, chữa bệnh miễn phí cho 9.410 lượt người; trong đó, đã phối hợp điều trị bằng nhiều cách: dùng thuốc, châm cứu, bấm huyệt, giác hơi, dùng tia hồng ngoại… (trị giá hơn 120 triệu đồng). Hiện, phòng khám đang hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho 5 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mỗi hộ 1,5 triệu đồng và 20kg gạo), hỗ trợ cho học sinh nghèo và các hoạt động từ thiện khác trị giá hơn 60 triệu đồng. Đặc biệt, trước Tết Nguyên đán 2012, phòng khám đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp hỗ trợ 260 phần quà cho người nghèo ở Thị trấn và các xã (trị giá hàng chục triệu đồng)…

Với những đóng góp tích cực trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân và hỗ trợ cho người nghèo, liên tục trong 4 năm liền (2008-2011), Phòng Chẩn trị từ thiện chùa Hưng An đã được Hội Đông y tỉnh Bến Tre công nhận là đơn vị xuất sắc. Bà Trần Thị Phương - Chủ tịch Hội Đông y huyện Ba Tri nhận xét: “Tập thể Phòng chẩn trị luôn nhiệt tình, tận tâm đối với bệnh nhân. Các anh, chị đã không phân biệt đối xử người bệnh và luôn thể hiện đức tính cao đẹp của người thầy thuốc”.

Bài, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN