 |
Anh Tài đang sản xuất nhang bằng máy bắn nhang tự động. |
Anh Lê Tấn Tài ở ấp Thạnh (Tân Phong – Thạnh Phú) trước kia sống bằng nhiều nghề không ổn định. Năm 2007, anh chuyển sang sản xuất nhang. Anh Tài cho biết, ban đầu ít vốn nên chỉ mua 2 máy bắn nhang bằng cách đạp (giống như đạp xe đạp). Đến năm 2008, đầu tư thêm 30 máy (mỗi hộ một máy) mỗi máy trị giá từ 2,7 đến 3, 7 triệu đồng. Qua đó, tạo việc làm cho 30 hộ trong ấp, mỗi ngày thu nhập từ 20 đến 50.000 đồng.
Giữa năm 2008, anh Tài đầu tư thêm 2 máy bắn nhang tự động có công suất hơn 5kg/giờ, tương đương với 40kg/ngày (mỗi máy giá 35 triệu đồng). Ngày 19-11-2008, anh Tài đứng ra thành lập tổ hợp tác sản xuất nhang lấy tên là Tân Phong. Hiện nay, tổ hợp tác này hoạt động với 40 nhân công, mỗi tháng sản xuất khoảng 20 tấn nhang thô (nhang bắn xong phơi khô, chưa được gia công). Để có ít nhất 20 tấn nhang thô xuất đi mỗi tháng, anh Tài phải nhập 5 tấn cây lồ ồ để làm thân nhang, 15 tấn bột nhang, hàng trăm ký lá gòn tạo keo bám dính và hàng chục ký phẩm màu.
Khách hàng không chấp nhận nhang có khói đen, cho nên với kinh nghiệm pha chế bột nhang, anh Tài đã làm cho nhang của mình khi đốt có khói trắng, không hại đến sức khỏe con người. Hiện nay, anh Lê Tấn Tài đang nghiên cứu công đoạn đưa thân nhang được nhanh hơn vào máy bắn nhang tự động để nâng công suất hơn 5kg/giờ.
Mới đây, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã đến ghi nhận sẽ có kế hoạch hỗ trợ để anh Lê Tấn Tài mở rộng nhà xưởng sản xuất, nâng số lượng nhang lên khoảng 30 tấn/tháng.
Được biết, nhang của anh sau khi làm ra được đưa về TP. Hồ Chí Minh để qua khâu ướp mùi thơm, đóng gói và xuất đi các nước như: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan… Hiện nay, ở huyện Thạnh Phú chỉ có anh Lê Tấn Tài là người sản xuất nhang với quy mô lớn, đáp ứng thị trường nhang trong và ngoài nước, mỗi tháng thu lãi trên 60 triệu đồng. Anh Tài cho biết, tổ hợp tác sản xuất nhang của anh hiện tại không đủ sản phẩm để cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh xuất đi nước ngoài.