Họa sĩ - Thương binh Trường Chăm

Một đời tận hiến cho hội họa tỉnh nhà

22/07/2022 - 05:47

BDK - Những ai đã từng đi qua chiến tranh, cho dù anh bộ đội, cô du kích hay thường dân, hẳn ký ức sẽ rưng rưng ùa về khi thưởng ngoạn những bức ký họa đầy giá trị nghệ thuật, lịch sử của họa sĩ Trường Chăm. Bởi với sở trường ký họa (bút sắt, bút bic, bút lông), nghệ sĩ tài hoa này đã tái hiện sinh động cuộc chiến đấu và những sinh hoạt đời thường thật bình dị, gần gũi của dân quân Bến Tre trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.

Sở hữu nhiều tranh ký họa chiến tranh

Với mười năm vừa cầm súng chiến đấu ở đơn vị pháo DKZ.75 của tỉnh, rồi bị thương, họa sĩ Trường Chăm chuyển công tác làm báo, vẽ tranh bìa, minh họa, tuyên truyền, châm biếm, khắc gỗ cho các tờ báo Chiến Thắng, Văn nghệ Đồ Chiểu, Văn nghệ Xung Kích. Ngoài ra, với tình yêu hội họa, yêu quê hương đất nước, ông còn tranh thủ sáng tác tranh, hiện gia tài quý báu của ông là có gần 300 bức ký họa về đề tài này.

Họa sĩ Trường Chăm đã đi vào hoạt động chuyên nghiệp từ tuổi 17, 18. Mặc dù khi ấy ông chưa hề qua trường lớp hội họa nào. Ông luôn yêu cái đẹp, tràn đầy tính duy cảm, nên gần 30 tác phẩm bị bom pháo phá hủy, mỗi khi nhắc lại, ông tiếc đến ngẩn ngơ. Hiện nay, họa sĩ Trường Chăm là người sở hữu nhiều nhất về số lượng tranh ký họa chiến tranh trong tỉnh. Do hoàn cảnh khó khăn, bấy giờ vẽ tranh ký họa bằng bút sắt, bút bic rất tiện lợi, hiệu quả, thiết thực nhất. Với mảnh giấy khổ 19 x 23 hoặc 20 x 25, trong thời gian ngắn, ông đã hoàn thành tác phẩm. Tuy vậy, để thực hiện, không ít tác phẩm ông phải mất nhiều thời gian. Vì ông phải trở lại trận địa vừa tan mà sự nguy hiểm luôn rình rập, bởi rất có thể địch sẽ đánh bom pháo, gài mìn hay càn quét trở lại. Đơn cử trường hợp ông tái hiện trận thắng “Hạm đội nhỏ trên sông” vang dội của đơn vị Đặc công thủy ở vàm sông Bến Tre vào năm 1967, họa sĩ phải nhờ đến “kình ngư” Hoàng Lam - người trực tiếp tham gia trận đánh ấy mang chất nổ, dụng cụ, bơi ra sông Bình Chánh, với những thao tác chuyên nghiệp để ông “mục sở thị” mà tái hiện.

Sau thời gian hoạt động, tài năng đã tỏ lộ, năm 1973, lãnh đạo Tiểu ban Văn nghệ, nơi ông công tác không ngần ngại, quyết định cử ông đi học lớp Trung cấp Hội họa ở vùng giải phóng Tây Ninh. Qua thời gian học tập, những người thầy Huỳnh Phương Đông, Thanh Châu… đã dẫn dắt ông đi xa hơn. Nhưng ông từng tâm sự: “Tôi còn một thầy nữa, đó là thực tế”. Chính thực tế đã đẩy cảm xúc của người nghệ sĩ dâng trào, cũng như quan sát tỉ mỉ để thực hiện tác phẩm của mình một cách hoàn mỹ nhất có thể.

Đất nước thống nhất, chàng họa sĩ được sinh ra trên quê hương Mỏ Cày Nam anh hùng, từng gác lại việc bút nghiên thời trung học để theo kháng chiến, được tổ chức đưa đi học Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, sau đó trở về Bến Tre, tiếp tục với nghề nghiệp của mình. Ông từng được phân công làm Phó hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, vừa làm công tác quản lý vừa đứng giảng dạy lớp đại học tại chức nhiều khóa. Không ít học trò được ông tận tâm truyền đạt, hiện nay họ đều đã có ích cho tỉnh nhà trên lĩnh vực mỹ thuật. Đó là món quà mà ông thầm trao lại những vị thầy của mình bằng tấm lòng biết ơn sâu sắc. Cũng như toàn bộ tác phẩm của ông đều là món quà dành cho những đồng chí thân yêu của mình đã ngã xuống, món quà cho quê hương Bến Tre yêu dấu này. Bên cạnh, ông còn dành tâm huyết viết hơn 20 bài về những anh em nghệ sĩ từng sống, chiến đấu cùng ông trong cuộc chiến tranh. Những bài viết của ông được đăng rải rác trên các báo, tạp chí, được bạn đọc quan tâm, đón nhận. Qua đó đã nói lên không những ông là người đa tài, mà còn sống trọn tình, trọn nghĩa với mọi người bằng tấm lòng thủy chung.

Thư ký của thời đại

Những tác phẩm của họa sĩ Trường Chăm đã thực sự vinh danh cho tỉnh nhà ở nhiều khía cạnh. Nó như viên ngọc luôn ẩn hiện, lấp lánh. Có thể xem rằng ông là người thư ký của thời đại. Ghi chép hiện thực cuộc chiến tranh tàn phá của bom đạn giặc ruộng vườn xơ xác. Cũng như những hình ảnh chiến đấu sáng tạo bằng nạng giàn thun, rất ngoan cường của dân và quân tỉnh nhà. Qua tập tranh được tuyển chọn đúng con số 100 của ông, giới chuyên môn, nhà phê bình mỹ thuật đã khẳng định điều đó. Họ dành cho ông những lời tán dương. Trong tập tranh ký họa nói trên, họa sĩ Nguyễn Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Gặp lại những trang ký họa của họa sĩ Trường Chăm - điều còn đọng lại nơi tôi rõ nét nhất là rừng dừa Bến Tre bị bom đạn, chất độc hóa học Mỹ - ngụy tàn phá: Thân dừa bị tàn phá xác xơ vì bom pháo…”. Trong lời giới thiệu cho tập tranh của Trường Chăm, nhà phê bình mỹ thuật Hà Văn Ngọc Sương có đoạn viết: “… Có nhiều tranh chất lượng chưa cao, nhưng cũng có nhiều tranh xứng danh được lưu giữ ở các bảo tàng, ở các bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước”. Quả đúng như vậy, ngoài trên 20 bức tranh Bảo tàng tỉnh Bến Tre, Nhà truyền thống Quân đội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre lưu giữ, rất nhiều tác phẩm của ông được cả Bảo tàng của tỉnh Tiền Giang, Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh lưu giữ. Năm 2012, trong chuyến công tác sưu tập tranh ký họa chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã mua của ông 50 bức tranh, với nhiều đề tài, như ký họa kháng chiến, phong cảnh đất và con người Bến Tre... Bà Nguyễn Thị Huyền - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho rằng: “Họa sĩ Trường Chăm là người vô cùng may mắn. Ông được sinh ra, lớn lên trên quê hương Mỏ Cày Nam, sống, chiến đấu và tác nghiệp trên mảnh đất Bến Tre, để cho ra đời những tác phẩm vô giá này”. Hơn thế nữa, lâu nay không ít tác phẩm của ông được giới yêu tranh nhiều nước săn lùng mua lại như Pháp, Đức, Mỹ, Singapore.

Với mảnh đạn rốc-két từng găm trên đỉnh đầu ông, được hội đồng y khoa giám định thương binh loại A, ¾ vẫn không ngăn cản được ông đến với tình yêu hội họa luôn âm thầm chảy trong huyết quản. Mỗi khi trao đổi, chuyện trò về nghề, ngữ điệu, ánh mắt ông long lanh, sáng rực đã nói lên điều đó. Cho dù ông không nói ra, nhưng ông luôn lạc quan, vui sống, sáng tác đến tuổi ngoài 70 là nhờ có người bạn đời - nhà điêu khắc Trần Thị Chúc luôn đồng hành bên người tri kỷ. Hai nhà nghệ sĩ tài hoa này dắt nhau đi qua đam mê, đi qua khát vọng bằng tình yêu mãnh liệt với nghề, với cuộc đời bằng tấm lòng tận tụy, dâng hiến. Ngoài bạn bè, đồng nghiệp mến mộ, kính yêu, cuộc đời đã rất công bằng. Cụ thể hóa bằng cách trao giải thưởng danh giá cho hai vị được mang tên: Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, do lãnh đạo UBND tỉnh trao tặng. Cũng như nhóm làm phim phóng sự của kênh truyền hình HTV gần đây đã xây dựng chân dung ông một cách công phu, phản ánh chân thực một nghệ sĩ chân chính, thực tài, một đời tận hiến cho hội họa trên quê hương Bến Tre anh hùng.

Phạm Bội Anh Thuyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN