Hiện nay, tại các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, nghề chế biến cá khô phát triển ngày càng đa dạng, phong phú. Từ những loại cá tạp, qua bàn tay khéo léo của người dân các làng nghề đã trở thành các mặt hàng khô không chỉ tiêu thụ ở nội địa mà còn có khả năng xuất khẩu.
Tuy vậy, qui trình sản xuất và chế biến cá khô vẫn còn mang tính thủ công, sản lượng ít, chất lượng chưa cao và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo. Đây là trở ngại lớn khiến các làng nghề chế biến cá khô khó phát triển, vươn xa.

Chế biến cá khô thủ công. Ảnh: H.H
Chính từ những thực trạng trên, để vực dậy các làng nghề truyền thống ven biển Bến Tre, đầu năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ đã đầu tư thực hiện Dự án Chế biến cá khô từ nguồn nguyên liệu địa phương theo qui mô bán công nghiệp. Dự án được thực hiện tại cơ sở sản xuất cá khô của hộ ông Tư Rành ở xã An Thủy (Ba Tri) với tổng kinh phí đầu tư trên 1 tỷ đồng; về kinh phí, cơ sở Tư Rành đối ứng 30%, dự án đầu tư 70% (sẽ thu hồi lại sau khi dự án kết thúc). Theo đó, dự án đầu tư xây dựng kho lạnh để bảo quản cá tươi và cá khô; hoàn thiện qui trình sử dụng kho sấy cá 500kg/mẻ; máy đánh vảy cá công suất 300kg/giờ. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, cơ sở được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của cán bộ kỹ thuật để kịp thời điều chỉnh qui trình, thiết kế các dây chuyền sản xuất…
Theo đánh giá bước đầu của Sở Khoa học và Công nghệ, đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra; hệ thống vận hành mới sản xuất chế biến rất hiệu quả; năng suất chế biến đạt trên 200kg/ngày (đã sản xuất trên 60 tấn thành phẩm theo qui trình công nghệ mới). Đặc biệt, nhiều sản phẩm trước đây chất lượng không cao, tiêu thụ chậm, nay trở thành đặc sản của cơ sở, như: mặt hàng cá khô tẩm vị, cá khô mặn, cá khô lạt. Dự án cũng đã thành công trong việc đưa công suất máy đánh vảy từ 200kg lên 300kg/giờ; qua đó, tỷ lệ sót vảy dưới 5%, tỷ lệ cá bể bụng dưới 5% (trước đây là 15-20%). Nhờ vậy chi phí sản xuất giảm, giá thành hạ.
Không những vậy, khi xây dựng kho lạnh công suất 40 tấn thành phẩm đã tạo điều kiện tốt hơn để cơ sở dự trữ nguyên liệu, giúp sản phẩm cá khô giữ nguyên chất lượng khi xuất bán. Nếu như trước đây, cơ sở thu mua nguyên liệu thường tập trung vào mùa vụ đông ken, cao điểm tàu cá lên hàng, nên lượng hàng quá nhiều, không thể đảm bảo ướp lạnh chờ chế biến, lại sấy thủ công với số lượng không nhiều, gặp lúc trời mưa thì cá ươn, thì nay có kho sấy công suất 500kg/mẻ là điều kiện tốt để nâng cao công suất, sản lượng chế biến cá khô.
Dự án vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu, đánh giá khá cao về hiệu quả cũng như khả năng nhân rộng. Dự án vừa tạo ra sản phẩm cá khô không chỉ tiêu thụ ở nội địa mà còn có khả năng xuất khẩu. Chất lượng thành phẩm tăng lên, nhiều mặt hàng sau khi chế biến theo qui trình mới có chất lượng tốt hơn, thu hút được nhiều khách hàng mới đến đặt hàng. Đồng thời, dự án cũng đã góp phần tiêu thụ nguồn cá biển tạp rất lớn tại địa phương, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.
Tuy nhiên, qua triển khai dự án, nhiều ý kiến đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ trong thời gian tới cần có chính sách hỗ trợ và các chương trình, dự án cụ thể để tiếp tục đầu tư cho các cơ sở, doanh nghiệp thay đổi công nghệ, thiết bị để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương sản xuất các sản phẩm mới; đồng thời, cần có chương trình hỗ trợ các cơ sở xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.