Một giờ với những người chị Tân Bình

03/05/2010 - 10:31

Hội Phụ nữ xã Tân Bình (Mỏ Cày Bắc) có 1.508 hội viên, sinh hoạt tại 7 chi hội. Chi hội Phụ nữ ấp Tân Thuận được xem là điểm sáng của phụ nữ tỉnh về việc thực hành tiết kiệm, hỗ trợ nhau xây ống chứa nước. Về cách làm, mỗi người đóng góp 100 ngàn đồng, một tổ khoảng 10 người, vậy là xây dựng xong ống cho nhà này thì đến nhà khác; đặc biệt, ưu tiên cho hộ nghèo.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Bình Lê Thị Tiến cho biết, mô hình này thành công, bây giờ gần như nhà nào cũng có ống chứa nước. Tôi hỏi vui, các chị làm nhưng có nghĩ đến lúc mình được biểu dương không? Biết tôi nói đến Chi hội Phụ nữ Tân Thuận vừa được vinh danh cấp tỉnh về thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2009, chị Tiến cười giòn tan, làm có hiệu quả là vui, được khen thì… còn gì bằng! Đến nhà chị Lý vào lúc giữa trưa mới thấy hết tác dụng của cặp cống được đưa vào sử dụng vài tháng qua. Xứ sở kênh rạch chằng chịt, nhưng nước sạch thì chưa về đến, buộc chị Lý phải khéo léo tính toán để không thiếu nước sinh hoạt. Xây ống chứa nước xong, chị như trút bỏ được một gánh nặng. Không còn phập phồng khi đối diện mùa nước mặn năm nay là tâm lý của gia đình chị Vân. Chị khởi phát xây giếng để có nguồn nước an toàn, vậy mà khi chi hội phụ nữ ấp phát động xây ống, chị hưởng ứng luôn. Không những vậy, chị Vân còn lát sàn bằng gạch bông, vì “không làm thì thôi, làm thì phải tới nơi tới chốn”!

Đi trên những con đường vườn mát rười rượi, hít căng lồng phổi bầu không khí thoáng đãng thật thoải mái. Tôi chợt nhớ đến con số chị Chủ tịch Hội Phụ nữ vừa cung cấp: Xã còn 268 hộ nghèo; trong đó có 75 hộ do phụ nữ làm chủ hộ. Hạnh phúc gia đình sẽ khó vẹn toàn nếu thiếu bàn tay chăm chút của người phụ nữ. Để hỗ trợ hội viên, Hội Phụ nữ xã luôn tìm tòi, khuyến khích ra đời mô hình mới phù hợp với nhiều nhóm đối tượng, để ai cũng được tham gia: tổ nghề nghiệp (5 tổ), vần đổi công (7 tổ), hụi không lời… Phụ nữ nông thôn muốn làm giàu vẫn không có cách nào khác hơn là bám vào nông nghiệp. Trong quá trình lao động, sản xuất, các chị có những cách tương trợ kịp thời. Mảnh vườn tình thương ở Tân Thuận là một ví dụ. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Thuận vận động hỗ trợ 150 cây mận An Phước cho hai hộ nghèo trong ấp và lo luôn đầu ra sản phẩm. Không những vậy, các chị giúp hai hộ trên đắp mô, trồng cây. Được chăm sóc tốt, đất và cây đã không phụ lòng người. Các chị đang phấn khởi chờ đợi hiệu quả của mảnh vườn này. Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã còn phối hợp các ngành, đoàn thể mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… cho hội viên mình. Người đi trước rước người đi sau, chị em khá giả hỗ trợ chị em có hoàn cảnh khó khăn tiền mua thức ăn gia súc, bán heo thu tiền chậm, cây giống… Chỉ tính năm 2009, phụ nữ Tân Bình đã hỗ trợ nhau trên 74 triệu đồng. Số hộ phụ nữ thoát nghèo có thể chưa như mong muốn, nhưng là động lực để các chị nỗ lực hơn nữa. Nói về hoạt động của Hội Phụ nữ Tân Bình sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến một nhiệm vụ trọng tâm khác do Hội cấp trên đề ra, được triển khai thực hiện khá tốt, là nhiệm vụ tham gia xây dựng phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới. Ngoài những lần tham gia hòa giải tại xã, các chị viết bài dự thi tìm hiểu pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình (285 bài), do Sở Tư pháp tổ chức, và đã đoạt giải tập thể (năm 2009). Mức thu nhập bình quân đầu người của Tân Bình liên tục tăng, từ 8,7 triệu đồng (năm 2008), 9,5 triệu đồng (năm 2009), không thể không nhắc đến sự đóng góp của phụ nữ.

Một giờ với phụ nữ Tân Bình, một vòng nhà các hội viên, tôi chia tay vùng đất trù phú của huyện Mỏ Cày Bắc với niềm hy vọng sẽ gặp lại những người phụ nữ ấy tại những hội nghị tuyên dương trong tương lai… Tôi cũng sẽ chờ đợi thành công mô hình mới của các chị: Hỗ trợ nhau xây dựng nhà tắm.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN