Một mình mót lúa để nuôi cả nhà

10/04/2011 - 17:25
Bà Hai cùng với cháu Tuyết Anh và người chồng bị bệnh.

12 năm qua, mùa nắng cũng như mùa mưa, hễ nơi nào trong xã có người thu hoạch lúa là bà Cao Thị Bé Hai (60 tuổi) có mặt để mót lúa. Từ khi ông Điện (chồng bà) bị bệnh tai biến nằm một chỗ, một mình bà phải bươn chải để lo cho gia đình gồm bốn miệng ăn: vợ chồng bà, người con trai bệnh tật và đứa cháu ngoại 11 tuổi.

Căn nhà lá của bà Hai nằm sâu trong vườn, thuộc tổ NDTQ số 13, ấp Giồng Sậy, xã Phong Nẫm (Giồng Trôm). Ông Điện đang ngồi trên chiếc ghế nhựa cạnh cửa. Hàng ngày, ông Điện làm bạn với chiếc ghế này, do không thể tự đi đứng được nên mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ vào vợ cùng đứa cháu gái. Mỗi sáng, trước khi đi làm, bà Hai đỡ ông từ giường xuống ghế cho đến lúc tối thì đưa về vị trí cũ.

Bà Cao Thị Bé Hai có 6 người con (4 gái, 2 trai). Những người con gái của bà đã có gia đình, ở riêng, cũng thuộc diện hộ nghèo, sống bằng nghề làm thuê. Người con trai lớn tên Phạm Cao Đại (26 tuổi), bị bệnh, đang sống chung với gia đình. “Năm 13 tuổi, thằng Đại bị bệnh đa khớp, suy tim nặng tưởng đã chết… sau đó bệnh biến chứng. Giờ đây, nó không thể ngoái cổ lại phía sau được”- bà Hai cho biết. Mười ba năm nay, Đại bước đi hàng hai. Mỗi khi có người gọi từ phía sau, anh phải dừng lại, bước vòng chân để quay cả người lại chứ không thể xoay cổ như người bình thường. Hàng ngày, anh tới nhà người quen để phụ việc lặt vặt (ai sai bảo việc gì, thì làm việc ấy) để kiếm chén cơm, những ngày không có việc thì ở nhà. Người con trai út của bà, vừa học hết lớp 10 đã theo người quen tới TP.HCM làm thuê (đến nay chưa được một tháng). Bà Hai có 700m2 đất dùng cất nhà ở và trồng được hơn mười gốc dừa, mỗi tháng thu hoạch được khoảng ba, bốn chục trái (thất thường, tùy theo mùa). Thu nhập chủ yếu của gia đình bằng “nghề” mót lúa của bà.

Mỗi sáng, bà Hai thức dậy sớm để nấu nồi cơm, ăn qua loa, giúp chồng việc vệ sinh cá nhân rồi đi mót lúa. Vào những lúc trái mùa, bà đi làm thuê cho người khác để kiếm vài ký gạo đắp đổi qua ngày. Tôi hỏi: “Mỗi ngày, bà mót được nhiều lúa không?”. “Hôm nào nhiều thì hơn chục lít… ít thì cỡ chục lít”. “Còn thức ăn thì sao?”. “Tôi đi mò cá, ốc hoặc mua, có gì thì… ăn nấy”- bà Hai trả lời. Thường ngày, những lúc bà Hai vắng nhà, mọi việc bếp núc, gà vịt đều do đứa cháu ngoại tên Cao Thị Tuyết Anh lo liệu. Năm nay Tuyết Anh 11 tuổi, liên tục từ lớp một cho đến học kỳ I  lớp 5 (niên học 2010 - 2011), em đều được giấy khen của nhà trường là học sinh giỏi. “Tội nghiệp Tuyết Anh lắm. Nó bị cha bỏ rơi lúc còn trong bụng mẹ. Đến khi mẹ nó có chồng khác, Tuyết Anh ở với tôi cho tới giờ”- bà Hai xót giọng. Hỏi ra, tôi được biết, quần áo, tập vở của Tuyết Anh đều do những người tốt bụng cho. Ở nhà, cháu học bài trên chiếc bàn tròn ọp ẹp và cái ghế nhựa rất cũ đặt trên nền đất gập ghềnh trước nhà. Hàng ngày, ngoài giờ tới trường, em phải phụ bà ngoại công việc nhà, kể cả việc chăm sóc người ông bị bệnh. Tôi hỏi Tuyết Anh: “Có ai dạy kèm cháu không?”. “Dạ, con học ở lớp rồi về nhà tự học”- cô bé trả lời. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phong Nẫm Phạm Thị Phước chia sẻ: “Ở xã, chúng tôi dành nhiều ưu tiên cho hộ của bà Hai vì hộ này gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng sự giúp đỡ thì cũng có hạn… Phong Nẫm là xã nghèo của huyện Giồng Trôm”.

Hiện tại, thu nhập chủ yếu của hộ bà Cao Thị Bé Hai đều nhờ vào công việc mót lúa của bà. Tuổi già, sức yếu, bà Hai còn phải nặng gánh lo cho chồng cùng người con trai bệnh tật và đứa cháu ngoại gái mới 11 tuổi. Đã vậy, những năm gần đây, bà thường hay bị bệnh. Theo chẩn đoán của bác sĩ (đoàn bác sĩ Bệnh viện quận 10 - TP.HCM khám từ thiện vào ngày 27-2-2011 tại xã Phong Nẫm), bà Hai bị các chứng: rối loạn tiền đình, thiếu máu cơ tim, loãng xương. Các bác sĩ đã kê toa, cho thuốc uống nhưng đó chỉ là tạm thời. “Tôi già rồi, cực khổ cách mấy cũng cố chịu đựng, sống thêm vài năm nữa để lo cho con cháu. Tội nghiệp con bé Tuyết Anh…”- bà Hai nghẹn lời.

Bài, ảnh: HUỲNH ĐỨC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN