|
Lội rừng ra cồn Đâm. Ảnh: C.Tr |
Bài 1: Ấn tượng ngay từ tên gọi
Dù đã có lời cảnh báo của lãnh đạo địa phương về con đường ra đến cồn phải lội xuyên qua rừng hàng mấy cây số, có nơi bùn lầy, lội lún gần tới thắt lưng, rễ cây bần, mắm đâm vào chân làm chảy máu…, nhưng chúng tôi quyết tâm: Khó mấy vẫn đi một chuyến cho thỏa nỗi tò mò về đời sống của người dân trên đất cồn Đâm.
Tên gọi của cồn gắn với một sự kiện đẫm máu
Cồn Đâm hiện nay là một tổ của ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong (Thạnh Phú). Theo lời kể của người dân địa phương và xác định của ông Nguyễn Văn Kháng - Chủ tịch UBND xã, qua quá trình bồi lắng và gió thổi, cồn bắt đầu hình thành và nhô lên mặt nước từ khoảng những năm 80 của thế kỷ 20. Thời gian đầu, cồn chỉ là một gò đất nhỏ. Thủy triều lên, cồn bị ngập trong biển nước. Cũng thời gian này, việc cặm cây, giành đất của những người dân nghèo đến từ các nơi khác đã gây nảy sinh mâu thuẫn. Sự việc đâm chém nhau để giành chiếm đất đã xảy ra…
Xuyên rừng
Từ đất liền, ra đến cồn Đâm, chúng tôi phải đi ngang qua rất nhiều cồn và rừng. Trong đó, đoạn từ cồn Dài, đi xuyên qua lớp rừng bần để ra được đến cồn Đâm là gian khó nhất vì hoàn toàn phải lội bộ. Theo hướng dẫn của anh Diện - một cán bộ trẻ của xã: Từ trụ sở UBND xã, có hai cách chính để ra được cồn. Một là đi ghe của hợp tác xã (HTX) nghêu nhưng phải chờ đúng dịp có con nước lớn. Cách thứ hai là đi xe gắn máy một đoạn, sau đó gửi xe tại nhà dân ở cồn Dài, lội bộ qua hết các cánh đồng màu và tiếp tục luồng lách xuyên rừng. Hầu hết người dân ở cồn muốn vào đất liền hoặc ngược lại phải đi bằng đường này. Tôi quyết tâm: phải đi thực tế.
Buổi sáng, nước ròng. Tính từ điểm bến đò của HTX nghêu, chúng tôi vẫn có thể đi xe gắn máy chạy dọc theo tuyến đê đất lởm chởm một đỗi nữa mới gửi xe ở nhà dân. Theo chân anh cán bộ xã, tôi đội nắng băng bộ qua các cánh đồng khoai lang xanh ngắt một màu. Đây là chuyến “thả bộ”, lội rừng, xuống biển đầu tiên trong đời tôi. Không quan tâm về thời gian, tôi cứ đi. Và khi cánh rừng mênh mông hiện ra trước mắt tôi, mặt trời cũng đã lên cao ngay đỉnh đầu và nhiệt độ dần gay gắt. Đúng như những lời kể trước đó, chúng tôi phải xắn quần khỏi gối để lội qua trũng nước. Mặc cho quần đã ướt sũng nước và bùn, chúng tôi vẫn quyết tâm lội rừng. Chuyến đi khá lý thú nhưng cũng thật… ngán ngược vì đường đi xa, khó và nguy hiểm. Bốn bề chỉ có rừng, nước, tiếng chim chóc và hai con người nhỏ xíu. Một lạ hoắc là tôi, một quen là anh Diện - cán bộ xã. Chỉ là quen quen thôi vì cũng đã ngần mấy năm rồi, kể từ khi anh đi học ở xa và sau đó về công tác tại địa phương, anh chưa trở lại con đường này. Anh Diện nhớ lại, hồi còn đi học, anh từng có thời gian rất gắn bó với nơi này. Vì nhà nghèo, anh thường vào rừng để bắt từng con cua, con ốc bán kiếm tiền đi học. Đó là một quá khứ có nhiều kỷ niệm sâu sắc của tuổi thơ, đáng trân trọng. Nhưng anh cũng mừng thầm vì thực tế, anh đã thoát ra tuổi thơ phải lặn lội nơi rừng sâu, xa vắng, đầy khốn khó. Nghe anh kể, tôi tự hỏi cuộc sống của hơn trăm con người đằng sau cánh rừng này ra sao? Nếu với anh Diện, đó là một quá khứ của nhiều năm trước thì với người dân ở đất cồn, sự khó khăn, vất vả, túng thiếu mọi thứ là hoàn cảnh hiện tại, chưa khác xưa là mấy.
Đất và người qua ánh mắt đầu tiên
Tôi chậm dò từng bước chân để tránh bị rễ cây rừng hoặc vỏ ốc gây thương tích trước khi được đặt chân lên cồn. Chợt anh Diện vui mừng la lên: Tới cồn rồi! Ngẩng mặt lên, trước tôi là một phụ nữ đang ẳm ru một em bé sơ sinh đứng bên ngôi nhà lá của họ. Khi đó, tôi mới chắc chắn: Mình đến cồn an toàn rồi. Nhưng cả hai chúng tôi phải tiếp tục lội qua một dòng nước nữa mới đặt chân lên được vùng đất cồn. Trong tôi chợt nảy ra một băn khoăn ngay từ hình ảnh đầu tiên mà mắt mình thấy được. Đó là nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân sinh sống ở đây, trẻ sinh ra sẽ như thế nào nếu thiếu đường, trường, trạm y tế, điện…
Tôi ngẩng mặt lên hơi lâu, vừa để nghỉ mệt sau khi lội qua hàng trăm mét rừng rú, vừa để quan sát thật kỹ không gian, diện mạo nơi đây. Qua đôi mắt của mình, tôi nhận thấy cồn Đâm là một dải đất dài. Một bên là nhà và phần đất rộng, còn lại hướng ra rừng và biển nghêu là phần đất dùng để sản xuất. Mùa này, bà con chủ yếu trồng dây khoai, sắn. Dường như mọi người đều ra đồng, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ con. Họ phơi mình dưới nắng. Phụ nữ đội nón, che khăn. Đàn ông phơi lưng trần, có người không màng đội nón. Những liếp khoai và sắn nối dài, đều đặn, thẳng hàng. Trông chúng như được người dân chăm sóc rất miệt mài, tỉ mỉ như chính đó là tất cả niềm hy vọng, tâm huyết về sự sống còn của họ và gia đình.
Hai bên cồn là rừng xanh tĩnh mịch. Quan sát và cảm nhận, cảnh sống trên cồn khá thanh bình và yên ả? Có lẽ bầu không khí sẽ dễ chịu hơn nếu thời điểm chúng tôi đặt chân lên cồn là sớm hơn. Bởi, giữa cái nắng trưa, mùi cát, gió pha lẫn vị mằn mặn, rin rít của biển đã hắt lên người, cảm giác đã khô khan, nóng gắt. Chúng tôi hỏi tìm nhà của ông tổ trưởng, người dân trong cồn bảo: Cứ đi thẳng một hướng và qua gần chục ngôi nhà, sẽ đến nhà tổ trưởng. Ngôi nhà duy nhất có bán hàng và nhộn nhịp nhất vào mỗi buổi tối. Người dân lại bảo, hầu như mỗi tối, trong cồn có bao nhiêu người đều tập trung hết lại nhà ông để xem ti-vi. Nhưng hỏi ra, nhà của ông tổ trưởng cũng chưa có điện…
Kỳ 2: Ra Cồn để... có đất sản xuất