 |
Chị Lê Thị Hương tại điểm phát cháo. |
Ngày nào cũng vậy, chị Lê Thị Hương ngụ tại ấp Thuận Điền, xã An Hiệp, huyện Châu Thành có mặt tại quầy cháo từ thiện ở bệnh viện đa khoa tỉnh từ rất sớm để phục vụ cho bệnh nhân nghèo trước giờ uống thuốc buổi sáng.
Tấm lòng của người phụ nữ này xuất phát từ sự đồng cảm đối với bệnh nhân nghèo, những người vừa đau đớn vì bệnh tật, lại lo lắng thuốc thang. Với tấm lòng nhân ái ấy, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho chị vào năm 2006; UBND tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Bước vào độ tuổi ngũ tuần, Lê Thị Hương đã có thâm niên hơn 8 năm trong “nghề” nấu cháo. Mỗi ngày, có khoảng gần 1.000 bát cháo và nhiều suất cơm chay từ thiện nóng hổi và ngọt ngào vẫn đều đặn đến tay bệnh nhân nghèo đang điều trị ở Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu. Những bát cháo từ thiện đã giúp người bệnh đủ no, đủ chất dinh dưỡng và hơn nữa, đó là liều thuốc tinh thần vô giá để chống chọi với bệnh tật.
Phải thật chú ý người ta mới có thể nhận ra nơi phát cháo từ thiện trong khuôn viên của bệnh viện. Quả thật, ít ai có thể ngờ rằng, nơi đây lại là điểm tựa cho những mảnh đời khốn khó mà đơn sơ đến vậy. Căn phòng rộng khoảng 20m2 với một chiếc bàn để phát cháo và vài cái bếp cùng những bao gạo kềnh càng đã chiếm đi hết không gian căn phòng. Tuy điều kiện làm việc như thế nhưng không làm chị ngán ngại. Chị có mặt đều đặn tại đây mỗi ngày – trừ chủ nhật – và sẵn sàng đến với những người cần giúp đỡ. Chị chia sẻ: Làm việc thiện cũng phải có cái duyên và sự khéo léo. Cái duyên để thuyết phục người khác nghe mình, ủng hộ giúp đỡ “người dưng” mà không nghĩ đến thiệt hơn, lợi lộc. Khéo léo tính toán để không bị thiếu hụt, của ít nhưng tấm lòng rộng khắp, không để ai nằm ngoài sự quan tâm…
Nhớ lại những ngày đầu mới bắt tay vào việc này, chị tâm sự: “Hết gặp khó khăn này đến khó khăn khác. Bởi lẽ, nhiều người không hiểu công việc mình làm nên không những không ủng hộ mà còn có nhiều lời ra, tiếng vào. Nhiều lúc tôi muốn nản, nhưng nghĩ đến những cảnh đời khốn khó cần sự giúp đỡ, lại phải tiếp tục lao vào”. Có lẽ, đối với chị “nhiệm vụ” lo cho cuộc sống – cái ăn của người bệnh là hạnh phúc, là trên hết. Lo cho cái ăn, rồi lo đến cái ấm, chị đã may mền phát cho bà con nghèo, những người mà chị chưa hề quen biết. Giờ đây đã bước sang cái tuổi “hưởng phước” nhưng chị vẫn chưa có ý định rời bỏ công việc này. Bởi với chị, sống là để hiến dâng. Chị rưng rưng nước mắt: “Đời tôi cũng từng trải qua bao đắng cay, vất vả trong cuộc sống, vì thế tôi rất hiểu và cảm thông sâu sắc về cuộc sống những bệnh nhân nghèo không có tiền mà phải nằm viện. Khổ nhất là cái ăn cũng không có, còn nói chi đến tiền mua thuốc thang chữa bệnh”. Hiện tại, cuộc sống của gia đình chị Hương cũng khá ổn định, các con đã trưởng thành và có việc làm. Đặc biệt, công việc từ thiện của chị luôn được sự ủng hộ của chồng và các con.
Với phương châm “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”, chị thường xuyên đổi món để tạo sự “lạ miệng” cho những “thực khách” của mình. Để có những bát cháo thơm ngon nóng hổi đến tay bệnh nhân đều đặn, đúng giờ, chị phải thức dậy từ 3 giờ khuya để chuẩn bị. Tấm lòng nhân ái đó không chỉ làm ấm lòng nhiều bệnh nhân nghèo mà còn lay động trái tim của nhiều mạnh thường quân. Thấy được ý nghĩa thiết thực của hoạt động này, nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ thường xuyên để nồi cháo luôn được duy trì. Ngoài ra còn có những “cánh tay” đã cùng chị “tạo” nên những bát cháo, phần cơm chay đầy nghĩa tình ấy. Chị Bửu Túy, nhân viên bệnh viện, ngoài giờ làm việc chị thường đến đây để phụ giúp. Chị vừa cọ chiếc nồi nấu cháo, vừa chuyện trò với chúng tôi: “Khi rảnh, tôi thường đến đây để phụ. Công việc từ thiện này rất hay, nó giúp nhiều bệnh nhân nghèo khỏi phải lo cái ăn, để dành tiền trang trải cho thuốc men”. Đã thành thông lệ, những người “trợ lý” vẫn đến đây đều đặn để giúp chị Hương một tay.
Trong giờ phát cháo, chúng tôi bắt gặp trên gương mặt ai nấy cũng rạng ngời khi cầm trong tay phần cháo mà chắc hẳn họ biết rằng đằng sau những bát cháo đó là những giọt mồ hôi của người phụ nữ luôn sát cánh bên họ. Những bát cháo nóng hổi, thơm lừng được nhận từ chính bàn tay chị Hương, có người đã không cầm được nước mắt. Chị Huỳnh Thị Bế ở xã An Hiệp, (Ba Tri), hơn tuần qua đều đặn ngày hai bữa đến nhận cháo miễn phí. Chị nói: “Nhà nghèo, con lại bệnh liên miên, có cơm, cháo từ thiện đỡ tốn kém chi phí rất nhiều, để dành tiền lo thuốc thang cho con. Bát cháo từ thiện này đã tiếp sức cho tôi để vững bước trên đoạn đường gian nan còn dài phía trước”. Tiếp xúc với những người nhận cháo từ thiện, chúng tôi còn phát hiện một điều thật thú vị. Đó là những người nhận “bát cháo tình thương” không hẳn là vì không có cái ăn mà vì họ bị “ghiền” mùi vị cháo do chị Hương nấu. Bà Hai Bảnh – xã Châu Hòa, (Giồng Trôm) nói: “Ông nhà tôi rất thích ăn cháo nơi đây, nếu bữa nào ăn cháo là ổng bảo tôi xuống xin cô Hương”. Phải chăng để có được những bát cháo thơm ngon, chắc hẳn những người làm từ thiện như chị đã gửi gắm cả tấm lòng và sự yêu thương vào trong mỗi hạt gạo(?!). Mặc dù là những suất cháo trắng, những phần cơm chay giá trị vật chất không nhiều nhưng lại rất quý, bởi nó thấm đượm nghĩa tình “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Gần 10 năm trôi qua, “bát cháo tình thương” đã đến tay những người cần đến nó và chị Hương đã làm những việc cần phải làm. Để hôm nay, những nụ cười hạnh phúc của bệnh nhân nghèo được rạng rỡ khi họ nhận những bát cháo từ thiện còn nóng hổi và chan chứa tình người. Để rồi mỗi khi tối về, chị lại nhủ thầm: “Một ngày trôi qua là niềm hạnh phúc lại đầy thêm”.