Một số vấn đề cần lưu ý trong kinh doanh vàng

01/05/2020 - 08:40

BDK - Sau khi Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26-9-2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường được ban hành và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2014, các cơ sở, doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng, trang sức trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc.

Một số sản phẩm vàng trang sức thiếu nhãn đính kèm.

Một số sản phẩm vàng trang sức thiếu nhãn đính kèm.

Bên cạnh đó vẫn còn một số DN kinh doanh thực hiện chưa đầy đủ. Các DN này phần lớn là DN kinh doanh nhỏ (chủ yếu mua đi bán lại) và mới thành lập, lỗi thường gặp là: ghi nhãn đính kèm chưa đúng, chưa đầy đủ thông tin; một số sản phẩm thiếu nhãn đính kèm; chưa lưu giữ, công bố tiêu chuẩn cơ sở…

Mặc dù các lỗi vi phạm này không lớn, nhưng vẫn bị xử phạt hành chính vì vi phạm các quy định trong kinh doanh vàng, thiếu minh bạch thông tin đối với khách hàng. Do đó, các DN cần phải hết sức lưu ý, để tránh gặp phải những lỗi vi phạm đáng tiếc trên.

Theo Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1-11-2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định:

Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa (Điều 30): có nhãn hàng hóa nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa; ghi không đúng quy định về kích thước chữ và số, ngôn ngữ sử dụng, định lượng và đơn vị đo, mức phạt tiền từ 500 ngàn - 30 triệu đồng (tùy theo giá trị hàng hóa vi phạm).

Vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa (Điều 31): hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, mức phạt tiền từ 500 ngàn - 30 triệu đồng (tùy theo giá trị hàng hóa vi phạm).

Vi phạm quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng (Điều 17): Hành vi không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất hoặc nhập khẩu, mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc nội dung của tiêu chuẩn công bố áp dụng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp với quy định của cơ quan có thẩm quyền, mức phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng.

 Không thực hiện đúng theo yêu cầu của tiêu chuẩn về hệ thống quản lý đã công bố áp dụng; hoặc không xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật; hoặc không áp dụng tiêu chuẩn về hệ thống quản lý nhưng công bố áp dụng, mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Vi phạm trong sử dụng phương tiện đo nhóm 2 (cân được sử dụng để xác định khối lượng vàng hoặc hàm lượng vàng) (Điều 10): không có chứng chỉ kiểm định (tem, dấu, giấy chứng nhận) hoặc hiệu chuẩn theo quy định; chứng chỉ kiểm định hoặc hiệu chuẩn đã hết hiệu lực; tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, chứng chỉ kiểm định hoặc hiệu chuẩn trên phương tiện đo; không thực hiện kiểm định đối chứng theo quy định; không bảo đảm các điều kiện vận chuyển, bảo quản, yêu cầu sử dụng phương tiện đo theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền, mức phạt tiền từ 500 ngàn - 30 triệu đồng.

Để biết rõ hơn các quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường cũng như các quy định xử phạt vi phạm hành chính, quý DN kinh doanh vàng cần nghiên cứu kỹ Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN và Nghị định số 119/2017/NĐ-CP.

Nếu có vấn đề gì cần hỗ trợ, quý DN vui lòng liên hệ Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Bến Tre, số 44 đường Ngô Quyền, phường An Hội (Phường 3 cũ), TP. Bến Tre hoặc số điện thoại: 02753. 822272.

Võ Quyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN