Một tấm gương nông dân vượt khó

13/05/2011 - 08:32
Anh Thành chăm sóc dừa giống. Ảnh: Tr.Q

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, cuộc sống còn lắm khó khăn, anh Huỳnh Văn Thành, ở ấp 7, xã Thuận Điền (Giồng Trôm) hiểu rằng phải cần cù lao động mới có thể đẩy lùi nghèo khó. Sau khi cưới vợ, anh Thành được gia đình cho ra riêng với 3 công đất trồng dừa. Vợ chồng anh Thành sớm nghĩ đến việc thu mua dừa xiêm trong xã để vận chuyển đến thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Dừa uống nước được người dân thành thị ưa chuộng, giúp cho vợ chồng anh có nguồn thu đáng kể.

 Năm 2005, như một cơ duyên, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tìm đến anh đặt vấn đề cung cấp dừa giống. Vạn sự khởi đầu nan, nhờ được sự hướng dẫn về kỹ thuật của Viện, vợ chồng anh Thành đã nhanh chóng thạo nghề sản xuất dừa giống. Anh Thành nhớ lại: Dừa trái được tuyển chọn thu mua, đem về phơi nắng 10 ngày, cho vào bao buộc miệng lại ủ tiếp 10 ngày; rồi đem ra vạt phần vỏ phía trên và đặt trên phần đất đã được phủ lớp mụn dừa, tưới nước, tạo ẩm. Đúng 3 tháng sau, anh có sản phẩm là cây dừa giống để cung cấp cho Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam và vệ tinh của một số cơ sở sản xuất cây giống ở Chợ Lách. Ngay thời điểm ấy, trái dừa khô mua làm giống giá 2.000 đồng, ươm thành cây giống bán từ 6.000-7.000 đồng/cây, tỷ lệ hao hụt khoảng 40% vẫn có lợi nhuận. Năm 2008, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đến vườn dừa của anh Thành khảo sát và công nhận cây đầu dòng. Anh Thành trở thành vệ tinh cung cấp dừa giống cho các cơ sở sản xuất cây giống ở Chợ Lách, Tiền Giang. Hàng năm, từ sản xuất vài nghìn cây đã tăng dần lên, cao điểm trên 30.0000 cây dừa giống.

Nghề sản xuất dừa giống đã giúp cuộc sống gia đình anh Thành từng bước được cải thiện, có điều kiện xây dựng nhà ở khang trang. Năm 2009, anh chuyển nhượng quyền sử dụng đất 4 công, vẫn chọn dừa là cây trồng chủ lực. Bên cạnh đó, anh cùng vợ con thu mua trái dừa khô, trung bình 2 thiên/ngày. Anh thuê người lột vỏ, phần cơm dừa bán cho cơ sở sản xuất cơm dừa nạo sấy, vỏ bán cho cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa, gáo dừa bán cho cơ sở đốt than, và phần nước dừa dùng để sản xuất thạch dừa. Nghề ươm dừa giống và thu mua trái dừa khô, sản xuất thạch dừa đã đem lại lợi nhuận cho gia đình anh Thành từ 60-70 triệu đồng/năm.

Ngoài chí thú gắn bó với công việc, anh Thành còn dành thời gian tham gia nhiều hoạt động phong trào của ấp. Với vai trò là Chi hội phó Chi hội Nông dân ấp, anh luôn quan tâm tập hợp nông dân vào hội, duy trì các cuộc họp để hội viên trao đổi kinh nghiệm; phối hợp với cán bộ kỹ thuật tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật góp phần tăng thu nhập trên diện tích đất sản xuất cho nông dân. Ngoài ra, anh còn là Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học của ấp; đã có nhiều nỗ lực trong vận động những hộ dân có điều kiện, những người con của quê hương đang sinh sống, làm ăn xa đóng góp tiền và hiện vật để giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn được cắp sách đến trường. Những cây cầu khỉ, con đường đất trong ấp được thay thế dần bằng cầu bê-tông, đường bê-tông, đều có sự đóng góp của anh Thành thông qua việc vận động các hộ dân trong ấp tham gia đóng góp tiền và ngày công lao động.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN