Một tấm lòng từ thiện - xã hội

12/09/2016 - 07:09

Hòa thượng Thích Như Niệm (thứ hai, trái sang) chụp hình lưu niệm cùng đại biểu dự lễ khánh thành cầu Diệu Nhàn ấp Khánh Hội Tây, xã Tiên Thủy (Châu Thành). Ảnh: HCĐ

Hòa thượng Thích Như Niệm tên thật là Lê Văn Tam, sinh năm 1937, là con một của liệt sĩ Lê Văn Trâm tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh, đã xuất gia vào chùa lúc còn nhỏ, nay là hòa thượng - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Trị sự, Trưởng Ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, trụ trì chùa Pháp Hoa, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.

Hòa thượng Thích Như Niệm tuổi cao vẫn hoạt động cho đạo và hoạt động xã hội - từ thiện ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đối với Bến Tre - quê hương Đồng Khởi, chiến tranh tàn phá nặng nề, địa hình ốc đảo, sông rạch chằng chịt, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên được hòa thượng Thích Như Niệm quan tâm giúp đỡ. Hoạt động xã hội - từ thiện của hòa thượng tại tỉnh nhà trên nhiều lĩnh vực nhưng quan tâm nhất đến xây dựng cầu, lộ nông thôn, phục vụ cho sự đi lại được an toàn, góp phần kích thích phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo.

Với lòng từ bi, bác ái giúp xây cầu lộ cho dân, hòa thượng Thích Như Niệm phối hợp với Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường để chọn những công trình cầu, lộ theo yêu cầu bức xúc của nhân dân, khảo sát, lập hồ sơ thiết kế dự toán (miễn phí tư vấn) làm cơ sở được hỗ trợ vốn. Trong việc tổ chức xây dựng công trình cầu, lộ từ thiện, tiền, vật tư công khai rõ ràng, xây cầu lộ chắc đẹp. Tính từ năm 2001 đến tháng 6-2016, từ sự hỗ trợ của hòa thượng đã xây được 131 cầu và 16km lộ bê-tông và một số công tác xã hội khác, với số tiền hỗ trợ 12,177 tỷ đồng.

Quá trình phối hợp tổ chức xây dựng cầu, lộ thể hiện rõ tấm lòng từ thiện xã hội của hòa thượng Thích Như Niệm. Nơi nào cầu, lộ còn khó khăn là hòa thượng sẵn sàng hỗ trợ. Tăng ni, phật tử tôn trọng, tin tưởng đóng góp từ thiện qua các hình thức cúng dường, đóng góp của phật tử là doanh nghiệp trong nước, việt kiều nước ngoài sản xuất, kinh doanh làm ăn khá, quỹ từ thiện của người chết để xây cầu, lộ, các tổ chức xã hội từ thiện của các chùa ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và An Giang. Thông qua uy tín của hòa thượng Thích Như Niệm, một số gia đình tuổi cao, tài sản giao cho con dành một phần gửi vào chùa để góp phần xây cầu, làm lộ để đức cho con cháu…

Hòa thượng Thích Như Niệm còn đến xóm, ấp nơi cầu, lộ còn khó khăn, có những nơi phải ngồi thuyền để vào, nắng nóng, mưa ướt vẫn kiên trì đến nơi. Bảng lưu niệm cho từng công trình cầu, lộ cũng được chọn là các ngày: 17-1, 30-4, 3-2, 2-9, 18-11… để nhớ những ngày lịch sử của cách mạng. Hay như cầu liệt sĩ Lê Văn Trâm (xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc) là lấy tên ông thân của hòa thượng Thích Như Niệm, gửi gắm linh hồn của cha mình nơi quê hương Đồng Khởi anh hùng.

Số cầu, lộ nêu trên được phân bổ trên địa bàn 66 xã, thuộc 8 huyện và thành phố, thiết thực góp phần củng cố, phát triển hệ thống giao thông nông thôn đến tận xóm, ấp vùng sâu, vùng xa phục vụ đi lại an toàn, học sinh đến trường học dễ dàng. Với những đóng góp xây cầu nông thôn Bến Tre của hòa thượng được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Bộ Giao thông Vận tải tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giao thông vận tải, Tỉnh ủy tôn vinh hòa thượng Thích Như Niệm có công góp phần xây cầu, lộ nông thôn Bến Tre 10 năm (2001 - 2010) và nhiều bằng khen của UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng.

Trịnh Văn Y

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN