 |
Tân binh trên đường đến lớp. Ảnh: Nguyễn Ngon |
Mới đầu hè, những ngày tháng 4 trên thao trường huấn luyện của Tiểu đoàn 516, Trung đoàn bộ binh KTT 895 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre), các chiến sĩ đang mải miết với động tác điều lệnh đội ngũ, với những bài tập thể dục... Những giọt mồ hôi đang lăn dài trên má, thấm ướt quân phục.
Trước mặt chúng tôi là 30 chiến sĩ mới nhập ngũ đợt 1 năm 2013, đang tham gia huấn luyện. Những chàng trai trẻ thư sinh trắng trẻo ngày nào, bây giờ đã sạm đen vì nắng gió thao trường, đang chững chạc, tự tin đứng trong hàng ngũ, thực hành khoa mục huấn luyện kỹ thuật mà lính mới ai cũng phải trải qua. Từng trong quân ngũ, trưởng thành từ binh nhì nên tôi hiểu rằng, với những lính trẻ này, tháng đầu quân ngũ, cái gì cũng mới, cũng lạ và cũng không ít khó khăn. Vào đây, cái gì cũng phải học, đầu tiên là học thuộc lòng các quy định 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần, rồi chỉnh đốn tác phong từ chăm lo “cái răng, cái tóc” cho vóc dáng con người chững chạc, đến học cách gấp chăn màn, một công việc tưởng như đơn giản sau khi thức dậy. Vào quân ngũ đồng nghĩa với việc các chàng trai này sẽ biết thế nào là kỷ luật. Việc ăn, ngủ, tập luyện, vui chơi, thể dục - thể thao và ngay cả vệ sinh hàng ngày cũng phải theo giờ giấc cụ thể.
Tuy buổi đầu có nhiều bỡ ngỡ, mới lạ, nhưng tất cả thật sự phấn khởi, tự hào vì được huấn luyện ở Tiểu đoàn 516, đơn vị có bề dày truyền thống được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Chiến sĩ Huỳnh Tấn Lộc (Trung đội 1, Đại đội 1) tâm sự với chúng tôi: “Ngày đầu học tập, em thấy rất bỡ ngỡ với nhiều nội dung, nhiều động tác khó như chào, đi đều, đổi chân trong khi đi, đến việc gấp chăn vuông, sắp đặt nội vụ sao cho thống nhất với đơn vị. Sau 1 tháng học tập, rèn luyện, giờ thì em đã cơ bản thành thạo như các đồng chí khác trong trung đội”.
Đại úy Trần Quốc Kiệt - Chính trị viên Tiểu đoàn 516, nói: Đơn vị đã duy trì thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ ngay từ những ngày đầu đón chiến sĩ về đơn vị, đội ngũ cán bộ huấn luyện của Tiểu đoàn 516 luôn gương mẫu, sâu sát, lời nói đi đôi với việc làm, cán bộ cần gương mẫu làm trước, làm mẫu, hướng dẫn chiến sĩ làm theo; tiến hành từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ chưa đúng, chưa đẹp, rồi nâng dần lên, tránh nóng vội, chủ quan, tạo ra áp lực, gây tâm lý lo lắng cho bộ đội.
Đảng ủy - Ban Chỉ huy Tiểu đoàn cũng tăng cường công tác quản lý và kiểm tra của cán bộ các cấp, tập trung vào giờ ngủ, nghỉ, ngày nghỉ, ngày lễ; tổ chức sinh nhật tập thể cho quân nhân vui chơi, nghỉ ngơi viết thư, viết nhật ký, tổ chức điện thoại công cộng về thăm gia đình; tiếp đón người thân đến thăm đơn vị và đặc biệt là tổ chức gặp gỡ gia đình quân nhân và chính quyền địa phương để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của mỗi quân nhân. Đơn vị chủ động dự báo, kịp thời phát hiện các quân nhân có biểu hiện chưa an tâm tư tưởng, thiếu cố gắng trong học tập rèn luyện, để có các biện pháp giáo dục, quản lý chặt chẽ, không để xảy ra hiện tượng bỏ ngũ và vi phạm kỷ luật.
Chứng kiến quan hệ cán binh trên bãi tập của Trung đội Bộ binh 1, chúng tôi cảm nhận được tình cảm, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ huấn luyện trong đơn vị. Từ những thanh niên ngoài xã hội, với nhiều hoàn cảnh xuất thân và trình độ văn hóa khác nhau, người thì mới tạm xa cuốc cày, tạm rời cây bút, người thì mới tạm xa xí nghiệp, nhà máy, công trường, cùng nhập ngũ vào đơn vị sống chung với nhau trong mái ấm tình đồng đội. Được cán bộ huấn luyện tận tình sâu sát “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn mỗi ngày, đồng đội thương yêu quan tâm giúp đỡ nên tất cả đã nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới.ÕQuân đội là trường học lớn, là nơi để chiến sĩ học tập, công tác, tu dưỡng và rèn luyện; cũng chính môi trường này sẽ giáo dục lớp chiến sĩ hôm nay trở thành những công dân tốt, là nguồn nhân lực chất lượng cao của các địa phương sau này và khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, các quân nhân sẽ tiếp tục cống hiến tài năng và sức trẻ của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong số 30 tân binh của đơn vị, có 8 đảng viên, số còn lại là đoàn viên, có 3 chiến sĩ đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; đa số có sức khỏe loại 1.
Để chiến sĩ mới yên tâm, yêu mến, gắn bó với đơn vị ngay từ những ngày đầu quân ngũ, cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý trực tiếp từ tiểu đội đến đại đội trong đơn vị đã có phương pháp giáo dục, quản lý động viên phù hợp, kịp thời. Nắm chắc lý lịch chính trị, điều kiện, hoàn cảnh của từng quân nhân, thường xuyên, chủ động tiến hành động viên, cổ vũ tinh thần tin tưởng, lạc quan, yêu đời của bộ đội. Kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa giáo dục truyền thống với động viên tư tưởng... gắn với các hình thức tuyên truyền cổ động, thi đua, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao vui tươi, lành mạnh để động viên bộ đội. Cán bộ các cấp gần gũi, yêu thương, quan tâm đến từng chiến sĩ, thực sự như những người anh, người bạn thân thiết; hướng dẫn, giúp đỡ chiến sĩ từ những việc nhỏ trong sinh hoạt, hoạt động hàng ngày, như: mang mặc quân phục, gấp chăn màn, vệ sinh cá nhân, đến việc thực hiện đúng lễ tiết tác phong, xưng hô chào hỏi, chấp hành chế độ quy định của quân đội, đơn vị và quan hệ với nhân dân địa phương.