Mùa Thu rồi ngày 23 (9-1945)

20/06/2016 - 08:13

Từ ngày giặc Tây trở lại, Lộc Thuận như về cõi chết. Ban đêm nhà không đốt đèn. Không người ra đường. Không còn cảnh văn nghệ, học bình dân và tập võ.

Trước đây tôi thường bỏ rẫy, bỏ nò để về nhà tham gia tập võ hay văn nghệ, thì nay ngày đêm tôi bám rẫy. Ba Xiếu, Tư Ngẫu, Ba Hung, Bếp Lục, Bảy Kim là những bạn đặt nò trong rẫy thường lui tới chòi đàm đạo. Những con nước rằm giữa đồng nội trăng trong gió mát chúng tôi xa xóm bị giặc chiếm, ra đây hít bầu không khí trong lành, tự do. Tiếng hú, tiếng ì là hiệu lệnh tập hợp, mỗi anh bơi một xuồng con đến cầu nước nò, tôi nổi lửa nấu trà uống nhâm nhi, rồi nấu nồi cháo cá kèo hoặc tép ngon đáo để.

Chúng tôi trao đổi kinh nghiệm cách câu cá ngát, cá út ăn tép sau nò, chúng tôi câu rất nhiều cá. Có con cá ngát nặng 1-2 ký. Chúng tôi làm đó đặt sát đáy để bắt cua, làm lợp đặt cá chốt. Đặc biệt tôi có biệt tài đặt nò khi nước nhửng lớn, có hôm tôi bắt cả bầy cá ngát hàng chục con. Những nước cá kèo chạy nhảy lỏm xỏm trong đó, gần cổ hủ nò, đầu cá kèo nổi như mù u làm tôi mê, cứ thức canh để đổ cá không tài nào ngủ được. Có con nước tôi ngủ quên tép chạy một phần ba đó kéo lên không nổi. Tôi phải lội xuống nhổ cây so đũa bè đó vào bờ.

Cuộc sống của chúng tôi có những khoảnh khắc tự do mà vui thú đặc biệt.

Nhưng giặc Tây không để cho nhân dân yên ổn làm ăn. Có những đêm chúng tôi mang tép cá về xóm, mỗi người xách một cái đèn lồng. Bọn lính Tây và thân binh đi tuần cỡi ngựa bao vây chúng tôi ở Giồng Phụng, hăm he, xét hỏi. Chúng rọi đèn pin thấy rọng đầy cá tép thì bỏ đi. Một buổi trưa nắng, tôi và Ba Xiếu từ nhà vừa quảy rọng đi vô rẫy bị đám thân binh bắt đến bên thềm giếng lạn thấy anh Tư Thống là chiến sĩ quốc gia tự vệ cuộc bị trói thúc ké và quì gối thở hào hển. Chúng quăng hai cái cuốc xuống bảo hai đứa tôi đào tìm lựu đạn do anh Tư Thống khai. Chúng tôi đào móc vào hang giếng, đào cuốc sâu, cuốc cạn, cuốc chừa, cuối cùng không có. Lũ Việt gian bu nhau kẻ đá, người đạp lên đầu, lên mình anh Tư Thống. Anh Tư nghiến chặt răng không thốt ra lời, trên đầu bị cạo trọc dính đầy cát bụi lốm đốm những giọt mồ hôi. Chúng đánh đá càng dữ, miệng anh hộc máu tươi, mắt trợn trừng lên nhìn lũ giặc.

Một hôm chúng dùng xe ngựa bắt Quản Hợi trước làm cộng sản, sau theo Quốc dân đảng về nhà chỉ đào súng. Quản Hợi mong chúng đưa về tới nhà để thấy mặt vợ con lần chót. Chúng đánh ông bầm tím cả mặt và mình mẩy. Xong chúng đem về tại chợ ông Huyện xã Tân Phú Trung trói vào gốc cây dái ngựa và bắn ông vỡ sọ trước mặt hàng trăm người.

Bọn Việt gian nổi lên chỉ chọc, những cuộc bắt bớ, bắn giết, tù đày diễn ra liên tiếp.

Tôi và bè bạn càng ít về xóm. Anh Bảy Kim đã từ giã chúng tôi dứt khoát đi theo Việt Minh đánh giặc.

Một đêm tối trời, chó sủa vang ở xóm Giồng Kiếng. Tôi nghe có tiếng lội bùn và hè bụi. Sáng ra, một tên lính Việt gian bị đâm, xác quăng xuống rạch trôi vào nò của Bếp Lục. Bọn giặc phát hiện đánh trống mõ hồi một, lại bắt người. Việt Minh không nhượng bộ, lại trừng trị tên Quản Thệ - tên ác ôn ở xã Phú Long. Thế là tên Một On kéo qua sông Ba Lai đốt sạch hàng trăm căn nhà ở cù lao Lá. Những cột khói ngùn ngụn bốc cao kéo dài cả cây số.

Ngày hôm sau, khi tôi về nhà ăn cơm rồi trở vô chòi nò thấy hai anh Sáu Liệt và Ba Hỉ đang ngủ. Tôi biết rõ hai anh là Quốc gia tự vệ cuộc theo ông Tám Sang. Tôi cũng nghi và nghi rất đúng là hai anh đã trừng trị mấy tên Việt gian vừa rồi ở Phú Long. Bọn đặt nò chúng tôi rất mừng. Tôi về mua sắm thuốc hút cho hai anh. Tôi hỏi thăm cuộc sống của các anh ở bên căn cứ Châu Bình và cù lao thế nào? Tôi hỏi các anh có gặp bác Sáu Chiếu và cậu Nam Công của tôi theo Việt Minh bây giờ làm gì? Tôi vừa nói chuyện và vừa quan sát từ xa để bảo vệ các anh. Các anh nói chuyện với chúng tôi về sự tàn ác của giặc Tây đốt nhà ở cù lao Lá, rồi quăng thây người vào lửa, giết hại người yêu nước, do đó các anh theo Việt Minh để đánh Tây cứu nước. Các anh thuật chuyện bộ đội ông Cống đánh giặc.

Bộ đội ông Cống dám chặn xe ngựa của Tây ở Hương Điểm diệt bọn Tây lấy súng. Rồi ông Cống sang Châu Phú, huyện Giồng Trôm đánh tụi Tây đi ca-nô, lấy được cây súng tiểu liên, không biết là súng gì. Các chiến sĩ hỏi mấy thằng tù binh Tây chớ cái nòng súng đây còn cái báng súng mầy giấu đâu? Bọn tôi nghe mà cười bò lăn. Anh Sáu Liệt còn nói ông Cống đánh giặc rồi còn viết giấy gởi cho Tây.

“Ông Cống đóng tại Bàu Dơi

Thằng Tây có giỏi vô đánh chơi!”

Chúng tôi khoái cách đánh giặc gan và anh hùng như bộ đội ông Cống.

Còn bọn Tây và Việt gian thì đồn đại rất nhiều về bộ đội ông Cống. Chúng hoang mang sợ sệt nên nói với nhau: Tụi bây ơi, ông Cống ghè, ông này lớn người, cao hơn ai hết, bự bằng cái cống. Khi ổng xung phong thì la như sấm. Thằng nào mà gặp bộ đội ông Cống kể như hết thời.

Các anh còn nói ở căn cứ Châu Bình vui lắm, thanh niên về đây lập bộ đội. Bảy Kim, Sáu Liệt, Ba Hĩ và các anh em ở An Hóa thì gia nhập bộ đội Tám Sang. Các anh ở Ba Tri thì đầu quân vào bộ đội Mười Chót. Thanh niên ở Giồng Trôm thì gia nhập bộ đội Chín Tá. Tôi càng nghe càng hào hứng.

Tôi liên tưởng là đánh Tây được, không phải như chú Sáu tôi nói “châu chấu đá xe”. Tôi có ý muốn rời bỏ vùng tạm chiếm đi ra căn cứ kháng chiến, lúc này tôi mới 16 tuổi.

L.C.N

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN