Muối mất mùa, giá thấp

07/04/2021 - 06:56

BDK - Năm nay, vùng sản xuất muối bị mất mùa và giá thấp. Đời sống diêm dân gặp khó khăn. Nguyên nhân do thời tiết thất thường khiến sản lượng muối giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Diêm dân xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri thu hoạch muối.

Diêm dân xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri thu hoạch muối.

Sản lượng thấp, giá cả bấp bênh

Cánh đồng muối ấp Thạnh Khương, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri đang vào mùa thu hoạch muối nhưng diêm dân chẳng vui vì bị mất mùa, giá thấp. Diêm dân Mai Văn An canh tác gần 5 công muối cho biết: “Năm nay thời tiết rất bất lợi cho nghề làm muối như: không khí lạnh, gió ít... Lượng muối thu hoạch thấp hơn nhiều so với cùng kỳ hàng năm. Năm rồi, tôi thu hoạch hơn 1 ngàn giạ (mỗi giạ 45kg). Nhưng năm nay, tới thời điểm này, tôi chỉ thu hoạch hơn 200 giạ. Trong khi đó, gần bắt đầu vào mùa mưa nên dự kiến thất thu hơn so với năm rồi rất nhiều”.

 Khó khăn chồng chất khó khăn khi gia đình ông An thuê đất để sản xuất muối (khoảng 7 triệu đồng/năm), tính ra chẳng có lợi nhuận và phải tính chuyện trữ muối lại vì bán rất khó khăn. Vụ sản xuất năm rồi, gia đình ông An không bán được hạt muối nào nên trữ lại toàn bộ sản lượng hơn 1 ngàn giạ. Năm nay, nếu bán không được thì tiếp tục trữ vì thương lái mua với giá khá thấp. Hiện tại, trung bình thương lái mua với giá 32 ngàn đồng/giạ nhưng phải vận chuyển ra tới ghe. Trung bình chi phí vận chuyển khoảng 10 ngàn đồng/giạ nên diêm dân chẳng thu được bao nhiêu trong khi làm lụng vất vả suốt nửa năm liền.

Diêm dân Nguyễn Văn Liêm, ngụ xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tính toán chi tiết: “Năm rồi, gia đình tôi làm 1ha đất muối, thu hoạch được 2,1 ngàn giạ, giá bán trung bình 30 ngàn đồng/giạ. Trừ đi tiền thuê 1 lao động không thường xuyên, tính ra mỗi ngày tôi chỉ thu khoảng 200 ngàn đồng, thua xa so với làm phụ hồ hay làm thuê, làm mướn. Vì vậy, thời gian mùa mưa thì đi làm thuê, làm mướn hay chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập chứ làm muối không đủ trang trải chi phí lo cho gia đình”. Năm nay, bị mất mùa, gia đình ông Liêm thu nhập thấp hơn nhiều, đời sống sẽ khó khăn.

Tại địa bàn xã Bảo Thạnh, mấy năm nay, diêm dân đã dần chuyển sang làm muối trải bạt thay cho nền đất theo kiểu truyền thống. Chủ tịch UBND xã Bảo Thạnh Lê Văn Vũ Thanh thông tin: “Trên địa bàn xã có 600ha muối. Trong đó, diêm dân chuyển sang làm muối trải bạt khoảng 75ha. Dự kiến trong nhiệm kỳ này, Nghị quyết đảng bộ xã Bảo Thạnh đưa ra là quyết tâm phát triển 100ha muối trải bạt, với năng suất và chất lượng cao. Trong năm 2021, địa phương sẽ thành lập hợp tác xã sản xuất muối để liên kết nông dân sản xuất muối chất lượng cao, bao tiêu sản phẩm, nhằm từng bước nâng cao đời sống của diêm dân”. Hiện tại, địa phương đã có cơ sở sản xuất muối ớt giúp tiêu thụ sản lượng muối của diêm dân.

Hướng đến sản xuất muối sạch

Phó chủ tịch UBND xã Bảo Thuận Lê Văn Tuấn cho biết: “Năm nay, 362 diêm dân xã sản xuất khoảng 180ha muối. Phần lớn có đời sống khá khó khăn. Thu nhập từ làm muối không đảm bảo cho cuộc sống nên nửa năm còn lại diêm dân phải làm nghề khác để kiếm sống. Trong khi đó, năm nay sản lượng thấp, giá cả lại bấp bênh nên diêm dân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Hiện tại, một số hộ dân đã chuyển sang hình thức sản xuất muối trải bạt với sản lượng cao hơn từ 30 - 40% nhưng chi phí đầu tư khá lớn nên diêm dân không có vốn đầu tư”.

Hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng 1.400ha sản xuất muối, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Bình Đại và Ba Tri với 1.058 hộ tham gia và giải quyết việc làm ổn định cho 2.116 lao động diêm nghiệp. Diêm dân Lê Văn Kỳ, ngụ xã Thạnh Phước (Bình Đại) cho biết: “Sản xuất muối là nghề truyền thống từ lâu đời của người dân vùng ven biển nhưng thu nhập rất thấp. Một số hộ dân có vốn đã chuyển sang nuôi thủy sản, còn một số hộ vẫn bám với nghề vì không biết làm nghề gì khác để kiếm sống”.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Võ Tiến Sĩ cho biết: “Theo quy hoạch của tỉnh, diện tích muối trên địa bàn tỉnh sẽ giảm. Diện tích còn lại sẽ được chuyển đổi sang nuôi thủy sản, kêu gọi đầu tư phát triển điện mặt trời, điện gió... Hiện tại, sản xuất muối theo cách truyền thống không được khuyến khích vì nhỏ lẻ, giá cả bấp bênh. Địa phương đang có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao để sản xuất muối sạch, liên kết diêm dân để bao tiêu sản phẩm. Diện tích còn lại sẽ có hướng chuyển đổi nghề để đảm bảo cuộc sống cho người dân”.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh duy trì sản xuất muối với quy mô hợp lý và phát triển mô hình sản xuất muối sạch, liên kết tiêu thụ sản phẩm, kết hợp nuôi thủy sản phù hợp trong ruộng muối. Đến năm 2025, tổng diện tích đất làm muối của Bến Tre là 1.350ha, tập trung chủ yếu ở 2 huyện biển Ba Tri và Bình Đại. Đến năm 2030, diện tích quy hoạch vùng sản xuất muối tập trung 600ha ở huyện Ba Tri, với sản lượng muối đạt 32.400 tấn/năm.

Hiện sản lượng muối dự trữ tại kho của diêm dân khoảng 24.630 tấn; trong đó, sản lượng muối niên vụ 2020-2021 là 10.108 tấn, sản lượng muối năm 2020 chuyển sang 14.522 tấn. Đến nay, toàn tỉnh có diện tích đất sản xuất muối chuyển sang nuôi trồng thủy sản hơn 236ha.

Bài, ảnh: Hoàng Mai

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN