Mỹ An tập trung phát triển “tam nông”

22/06/2018 - 08:15

BDK - Thạnh Phú được đánh giá là địa phương có bước thay đổi khá rõ nét về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì Mỹ An, vùng đất còn được gọi với cái tên khác ”cù lao quốc tế” là một điển hình cụ thể qua từng bước đổi thay đó. Mỹ An hôm nay đang từng ngày đổi thay, phát triển vươn lên.

Mô hình nuôi cua, tôm quảng canh trong ruộng lúa phát triển mạnh tại các xã Mỹ An, An Điền, An Nhơn, huyện Thạnh Phú.

Mô hình nuôi cua, tôm quảng canh trong ruộng lúa phát triển mạnh tại các xã Mỹ An, An Điền, An Nhơn, huyện Thạnh Phú.

Vươn lên từ nghèo khó

Hơn 10 năm trước, Mỹ An xuất phát điểm là một trong các xã nghèo nhất tỉnh và thuần nông. Xác định vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Mỹ An được tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển khá toàn diện.

Lĩnh vực nông nghiệp có sự phát triển đột phá, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại. Cây trồng có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao được chú trọng phát triển. Xã vừa tập trung đầu tư chuyên canh, luân canh, vừa kết hợp trồng xen, nuôi xen hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Điển hình, cây lúa trong giai đoạn 2008 - 2018 dịch chuyển mạnh từ cây lúa mùa truyền thống sang các giống lúa có năng suất và chất lượng theo thị trường và phù hợp theo điều kiện biến đổi của địa phương. Tổng diện tích gieo trồng lúa năm 2017 là 1.110ha, giảm 10ha so với năm 2008. Sản lượng đạt trên 2.700 tấn, năng suất trung bình tăng từ 3,5 tấn/ha lên 5 tấn/ha/năm. Mỹ An thuộc tiểu vùng 2 của huyện, thời gian qua, đạt kết quả nổi bật trong xây dựng và nhân rộng mô hình lúa - tôm, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tình hình chăn nuôi trong giai đoạn 10 năm qua tương đối thuận lợi. Các dịch bệnh nguy hiểm như dịch cúm gia cầm, dịch heo tai xanh được kiểm soát tốt. Các vật nuôi mang lại lợi nhuận cao, thời gian nuôi ngắn được nông dân lựa chọn nuôi ngày càng nhiều như bò, heo, dê, gia cầm.

Riêng chăn nuôi thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của xã. Công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt và đồng bộ. Đến nay, đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới gồm thủy lợi, thông tin truyền thông, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, y tế, văn hóa, an ninh trật tự. Các tiêu chí đạt từ 80% trở lên như điện, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

Công tác giảm nghèo luôn được các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm trong giai đoạn này. Xã đã nỗ lực giảm nghèo hàng năm, tốc độ giảm nghèo bình quân đạt 3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều năm 2017 là 25%, giảm 2,8% so với năm 2016.

Nâng cao đời sống người dân

Ông Nguyễn Văn Trường - Chủ tịch UBND xã nhận định: Qua gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và chương trình hành động của Huyện ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn mới trong hệ thống chính trị và nhân dân trong xã. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước hình thành các phương thức sản xuất hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, nhất là hệ thống giao thông nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn từng bước được nâng cao.

Lễ thông xe đường đến trung tâm các xã: An Điền, Thạnh Hải, Mỹ An (đường Cồn Rừng), huyện Thạnh Phú.

Lễ thông xe đường đến trung tâm các xã: An Điền, Thạnh Hải, Mỹ An (đường Cồn Rừng), huyện Thạnh Phú.

Theo ông Trường, thu nhập bình quân đầu người đã nâng lên trên 20 triệu đồng/năm. Việc hưởng thụ các điều kiện thiết chế xã hội của người dân có nhiều chuyển biến. Đây là kết quả cụ thể, sát thực tế trong 10 năm qua. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, Mỹ An phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa mới có thể về đích như nhiều địa phương khác.

Nhận thấy được khó khăn, thách thức, xã đã đề ra các mục tiêu cụ thể và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2020 - 2025 và hướng đến năm 2030. Theo đó, xã tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại. Chú trọng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu để sử dụng có hiệu quả đất đai, tài nguyên, lao động. Phát triển ngành trồng trọt, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng quy trình sản xuất mới có năng suất, chất lượng cao.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN