|
Xuất khẩu cá tra đã tạo nhiều việc làm từ khâu nuôi đến chế biến. Trong ảnh: tại phân xưởng chế biến của Công ty cổ phần Hùng Vương - Ảnh: C.T.V. |
Dự báo năm 2008 kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ đạt trên 1,2 tỉ USD so với trên 1 tỉ USD của năm 2007. Nhiều vùng nuôi cá và nhà máy mới đang mọc lên, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân ĐBSCL.
Từ mồng 4 tết, nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL đã khởi động nhà máy. Giá cá tra nguyên liệu cũng tăng thêm 500 đồng/kg do nhu cầu thu mua tăng đột biến, đạt 15.500 đồng/kg.
Thêm thị trường, xây thêm nhà máy mới
Theo các DN xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL, năm 2008 thị trường thế giới tiếp tục mở rộng cho cá tra VN do sản lượng cá rô phi Trung Quốc giảm 30% và chính sách hạn chế đánh bắt cá tuyết ở Đông Âu đã làm sản lượng cá cung cấp cho thị trường bị sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2007 thị trường chính của cá tra VN xếp theo thứ tự là: EU, Trung Mỹ, Trung Đông và Đông Âu thì năm 2008 thị trường Đông Âu dự báo sẽ "vươn" lên vị trí thứ hai sau EU.
Để nắm lấy cơ hội "vàng", các DN xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đang khẩn trương xây dựng thêm nhà máy chế biến và mở rộng vùng nuôi cá nguyên liệu. Ông Dương Ngọc Minh - tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (KCN Mỹ Tho, Tiền Giang), DN chiếm hơn 10% sản lượng cá tra philê xuất khẩu của cả nước năm 2007 - cho biết ngoài hai nhà máy công suất hơn 30.000 tấn thành phẩm/năm tại Tiền Giang, ngay sau tết công ty sẽ khánh thành hai nhà máy ở Vĩnh Long và Đồng Tháp.
Với bảy xưởng chế biến công suất lên tới 1.000 tấn nguyên liệu/ngày đặt ở các vùng cá tra nguyên liệu ĐBSCL, công ty đề ra chỉ tiêu xuất khẩu 50.000 tấn cá tra philê trong năm 2008, đạt kim ngạch 120-130 triệu USD. "Mồng 6 tết, gần 5.000 công nhân của nhà máy tại Tiền Giang trở lại làm việc và chắc chắn cũng phải làm việc 30 ngày/tháng mới có đủ hàng xuất khẩu" - ông Minh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đạo - giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng tại KCN Mỹ Tho - cho biết gần 2.000 công nhân chỉ được nghỉ tết đúng bốn ngày và phải trở lại làm việc từ mồng 4 tết. Theo kế hoạch, năm nay công ty cũng tăng sản lượng cá tra xuất khẩu 20%, tức đạt 14.000 tấn so với 9.000 tấn năm 2007.
Ngoài nhà máy chế biến 100 tấn cá tra nguyên liệu/ngày tại KCN Mỹ Tho, công ty chuẩn bị xây dựng thêm phân xưởng hoặc một nhà máy mới vì thị trường xuất khẩu cá tra đang có xu hướng phát triển rất thuận lợi. Công ty cổ phần Lâm thủy sản xuất khẩu Bến Tre (Faquimex) cũng vừa quyết định đầu tư 50 tỉ đồng để xây dựng thêm nhà máy chế biến cá tra thứ hai với công suất 5.000 tấn thành phẩm/năm tại thị xã Bến Tre. Ngay sau tết nhà máy này sẽ được khởi công và từ tháng 9-2008 trở đi Faquimex sẽ có hai nhà máy chế biến cá tra tổng công suất 1.500 tấn thành phẩm/năm.
Gắn vùng nuôi với chế biến