 |
Ông Trần Ngọc Tam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (bìa phải) tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc. |
Ngày 13-11-2014, ông Trần Ngọc Tam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956 của tỉnh chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2010-2014 và các giải pháp đào tạo nghề năm 2015-2020, với sự tham dự của đại biểu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các cơ sở dạy nghề và đại diện một số xã.
5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp và
phi nông nghiệp cho 25.657 người, đạt 48,2% so với chỉ tiêu kế hoạch. Số lao
động được đào tạo có việc làm chiếm tỷ lệ gần 66%. Tổng kinh phí thực hiện
trong 5 năm hơn 186 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh, xuất hiện một số mô hình dạy
nghề cho lao động nông thôn hiệu quả như: may công nghiệp, đan ghế nhựa trên
khung sắt, đan giỏ, đan chổi, trồng kiểng lá, nuôi heo, bò, gà an toàn sinh
học… giải quyết lao động nhàn rỗi, góp phần tăng thêm thu nhập.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Quyết định 1956 giai
đoạn 2010-2014 còn nhiều khó khăn, bất cập như: Thời gian tổ chức dạy nghề nông
nghiệp chưa phù hợp thời vụ, thực hành ít, đào tạo chưa gắn với nhu cầu học
nghề của người lao động và thị trường lao động. Công tác tuyên truyền, tư vấn
học nghề ở một số xã chưa phong phú. Đối tượng nghèo và cận nghèo tham gia học
nghề còn thấp, chỉ chiếm 26% trong tổng số người tham gia học nghề…
Ông Trần Ngọc Tam cho rằng, 5 năm qua, Quyết định 1956 cơ
bản đào tạo nghề đáp ứng nguồn nhân lực nông thôn cho các doanh nghiệp, xí
nghiệp và cơ quan nhà nước. Đề án là kênh thực hiện công tác giảm nghèo hiệu
quả. Hướng tới, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về đào tạo
nghề, nâng cao chất lượng, hiệu quả để đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Tỉnh sẽ phối hợp với
Trường Kỹ thuật Cao Thắng, TP. Hồ Chí Minh để thực hiện công tác đào tạo nghề,
đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu tăng thu nhập cho lao động nông
thôn. Mục tiêu phấn đấu, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 60% và đào tạo nghề 30%
vào năm 2020. Bình quân mỗi năm tỉnh cần đào tạo từ 8 ngàn - 10 ngàn lao động.
Chủ trương sáp nhập các trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường
xuyên cấp huyện đã có, đang chờ hướng dẫn từ Trung ương. Việc đào tạo nghề
trong giai đoạn sắp tới sẽ tăng quy mô đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề, đặc
biệt chú trọng một số nghề chất lượng cao, công nghiệp mũi nhọn nhằm đáp ứng
nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dịp này, Ban tổ chức đã trao bằng khen của UBND tỉnh cho 9
tập thể và 1 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức, triển khai thực
hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” giai đoạn 2010-2014. Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội tặng 15 giấy khen cho 6 tập thể và 9 cá nhân.