
Bà Nguyễn Thị Chi (vợ ông Ngang) chăm sóc đàn bò.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân, UBND xã Phước Tuy vận động người dân thực hiện cải tạo đất giồng tạp, tận dụng tối đa diện tích vườn hiệu quả thấp. Bước đầu ghi nhận tín hiệu vui từ các hộ tiên phong thực hiện.
Phước Tuy là một xã thuần nông thuộc tiểu vùng III của huyện Ba Tri, cách trung tâm thị trấn 7km, trục giao thông chính có chiều dài 2km, với diện tích tự nhiên 512,25ha, chia thành 2 ấp (Phước Thới, Phước Thạnh). Người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó, cây lúa là chủ lực, kết hợp trồng cỏ nuôi bò; số lượng hộ dân có vườn chuyên canh rất ít.
Thực hiện chủ trương cải tạo đất giồng của huyện, xã triển khai đến các ban, ngành, đoàn thể và đến tận các ấp thông qua các cuộc họp tổ nhân dân tự quản. Sau khi khảo sát thực tế, xã định hướng người dân lựa chọn cây trồng phù hợp như: bưởi da xanh, dừa, chuối… để phát triển kinh tế.
Kết quả vận động, có 6 hộ dân tiên phong cải tạo đất giồng tạp với diện tích 2,6ha. Trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Ngang ở ấp Phước Thạnh. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Ngang, cuối năm 2016, khi phong trào cải tạo vườn tạp của xã chưa phát triển mạnh, sau chuyến tham quan mô hình vườn bưởi của người quen tại huyện Châu Thành, ông mạnh dạn cải tạo 0,5ha trồng bưởi da xanh xen chuối kết hợp rau màu.
Bên cạnh trồng bưởi, ông Ngang còn nuôi cá, ốc bươu, bò. Ông Nguyễn Văn Ngang cho biết, trước đây diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả, phần để không nên hiệu quả thấp. Từ khi được xã triển khai thực hiện cải tạo giồng tạp, ông cải tạo đất trồng được 400 gốc bưởi, rau màu. Bước đầu thực hiện cho thu nhập khá. Giờ thì kinh tế vững hơn.
Hiện tại, bưởi trong vườn nhà được 1 năm tuổi đang phát triển tốt. Gia đình ông Ngang chỉ mới thu hoạch mướp nhưng mức thu nhập cũng khá. Tổng thu nhập hàng tháng từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt khép kín, gia đình ông thu về 5 - 6 triệu đồng. Chuối sau khi cho buồng và thu hoạch, thân chuối ông Ngang làm thức ăn cho bò.
Chủ tịch UBND xã Phước Tuy Võ Minh Công cho biết, diện tích đất giồng tạp của xã nhỏ lẻ - là khoảng đất trống khu dân cư nên công tác vận động người dân chuyển đổi lúc đầu gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự tập trung, xác định cây giống phù hợp thổ nhưỡng địa phương, người dân hưởng ứng từng bước nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất.
Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Minh Tùng đánh giá, mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt khép kín của hộ ông Nguyễn Văn Ngang ở Phước Tuy bước đầu hiệu quả. Từ đó, góp phần cùng huyện sớm hoàn thành đầu việc cải tạo giồng tạp không hiệu quả. Những năm gần đây, tận dụng diện tích đất giồng tạp, một số hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư cải tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giúp người dân cải thiện đời sống.
Xác định cải tạo đất giồng tạp là một nhiệm vụ quan trọng, vừa tạo cảnh quan môi trường nông thôn vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân. Hiện nay, người dân Phước Tuy nói riêng và huyện Ba Tri đang tiếp tục cải tạo đất giồng tạp nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Ông Võ Minh Công cho biết: Xây dựng mô hình cải tạo vườn tạp là thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới làm khởi sắc bộ mặt nông thôn. Qua đó, tạo chuyển biến về nhận thức của nông dân về nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. “Để mở rộng diện tích, phát triển các loại cây, con giống một cách bền vững và hiệu quả, người dân cần tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn sạch” - ông Võ Minh Công mong muốn.
Bài, ảnh: Thiên Di