Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng trong cơ quan hành chính

27/10/2009 - 10:15
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Phong làm việc với Đảng ủy Phòng PC14 Công an tỉnh. Ảnh: C.Tạo

Nghị quyết số 22-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 6, khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, có nêu: “...phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội ở cơ sở, nhất là những địa bàn, lĩnh vực trọng yếu, có nhiều khó khăn”. Việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng nói chung, tổ chức cơ sở Đảng trong các cơ quan hành chính nói riêng là một nhiệm vụ mà các cấp ủy hết sức quan tâm, đã và đang tập trung chỉ đạo bằng nhiều giải pháp thiết thực.

Tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) là nền tảng của Đảng, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng; là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với dân; là nơi trực tiếp lãnh đạo, tổ chức thực hiện và đưa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; đây cũng là nơi phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực tiễn, tạo nguồn và bổ sung đội ngũ cán bộ cho các cấp, các ngành;...Muốn xây dựng Đảng vững mạnh, trước hết phải củng cố, xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh. Đó cũng là cơ sở quan trọng để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị trong từng giai đoạn cách mạng.

Trong các loại hình TCCSĐ, TCCSĐ ở cơ quan hành chính có những nét đặc thù. Đảng bộ, chi bộ ở các cơ quan hành chính được hình thành từ các đảng viên là cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan hành chính hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Các cơ quan hành chính là nơi tham mưu giúp cấp ủy cụ thể hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy trong việc củng cố, kiện toàn hoạt động của hệ thống chính trị, trong hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội... Phạm vi lãnh đạo của Đảng bộ, chi bộ chỉ trong nội bộ cơ quan, nhưng nhiệm vụ chuyên môn của mỗi đảng viên, cán bộ lại có tác động, ảnh hưởng đến tình hình của cả địa phương. 

Ngày 22-3-2004, Ban Bí thư, khóa IX ban hành Quy định số 98-QĐ/TW “Về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan”. Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Quy định trên cho thấy bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, yếu kém. 

 

 

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành (tại Hội nghị đánh giá thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”) cho rằng: “Cuộc vận động dần đi vào chiều sâu và lan tỏa trong quần chúng”.
Ảnh: C.Trúc

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết  Trung ương 6, khóa X và Quy định 98-QĐ/TW của Ban Bí thư, các tổ chức cơ sở Đảng ở các cơ quan hành chính cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp chủ yếu sau:

1- Nâng cao nhận thức về vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng và chức năng, nhiệm vụ của TCCSĐ. Trên thực tế, nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng, nhất là vai trò của TCCSĐ trong cơ quan hành chính chưa thật đầy đủ, toàn diện. Vẫn còn biểu hiện cho rằng mọi nhiệm vụ chuyên môn đều do thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp điều hành và chỉ đạo, TCCSĐ chỉ là nơi để đảng viên sinh hoạt định kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng. Do vậy, các Đảng ủy, chi ủy cơ quan một mặt, cần giáo dục cho mọi đảng viên hiểu và nắm vững chức năng, nhiệm vụ của TCCSĐ theo Quy định 98-QĐ/TW, làm cho mỗi đảng viên, mỗi chi bộ nhận thức và đề cao vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động của cơ quan; mặt khác, phải tôn trọng và tạo điều kiện cho các đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng trong cơ quan tích cực tham gia đóng góp xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh. Có như vậy mới phát huy được trí tuệ tập thể, tính dân chủ trong công tác, lãnh đạo chuyên môn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

2- Thường xuyên rà soát, bổ sung quy chế làm việc, quy chế phối hợp, quy chế thực hiện dân chủ,... và tổ chức thực hiện tốt các quy chế. Quy chế làm việc phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, xây dựng đoàn kết thống nhất nội bộ; phải vừa phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể, vừa đề cao trách nhiệm cá nhân. Do điều kiện đặc thù của tổ chức Đảng ở cơ quan hành chính, các cấp ủy viên đều kiêm nhiệm, nên cần xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động giữa cấp ủy với thủ trưởng cơ quan, đơn vị; nhằm tạo mối quan hệ công tác chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả, để vừa phát huy được vai trò lãnh đạo của cấp ủy, vừa nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của thủ trưởng cơ quan.

 Song song đó, cấp ủy phải quan tâm phối hợp với lãnh đạo cơ quan trong việc xây dựng, ban hành, lãnh đạo thực hiện tốt quy chế làm việc của cơ quan (về phía chính quyền), quy chế thực hiện dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ và các quy chế, quy định khác; nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, phát huy một cách tốt nhất quyền làm chủ của cán bộ, đảng viên và quần chúng cơ quan trong kiểm tra, giám sát và tham gia đóng góp xây dựng Đảng bộ, chi bộ, cơ quan trong sạch, vững mạnh.

3- Nâng cao chất lượng cấp ủy viên ở TCCSĐ cơ quan. Như trên đã nói, các cấp ủy viên ở cơ quan đều hoạt động kiêm nhiệm; do vậy, việc lựa chọn, bố trí cấp ủy viên ngoài những tiêu chuẩn quy định chung, cần chú ý lựa chọn những đồng chí có tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao, biết tập hợp quần chúng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng để lãnh đạo toàn diện công tác của đơn vị; có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh; có khả năng đoàn kết đảng viên, quần chúng trong cơ quan. Riêng đối với đồng chí bí thư cấp ủy còn phải có trình độ, năng lực và hiểu biết về nghiệp vụ công tác Đảng, là người có uy tín, có phong cách làm việc sâu sát, khoa học, dân chủ. Cần chú ý hai khuynh hướng có thể xảy ra: Một là, coi trọng chuyên môn hơn công tác Đảng, từ đó dẫn đến tình trạng coi nhẹ, buông lỏng vai trò lãnh đạo của TCCSĐ. Hai là, cấp ủy bao biện, làm thay công việc chuyên môn của chính quyền, dẫn đến TCCSĐ không phát huy được vai trò lãnh đạo và làm giảm đi vai trò quản lý, điều hành của cơ quan.

4- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là yếu tố quyết định chất lượng TCCSĐ. Phải coi trọng việc nâng cao chất lượng đảng viên từ khâu kết nạp, trong suốt quá trình quản lý, rèn luyện theo tiêu chuẩn, nhiệm vụ của đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng. Làm tốt công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng; phối hợp với lãnh đạo cơ quan trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phân công, bố trí nhiệm vụ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên phát huy năng lực, sở trường và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thực hiện đúng quy định và có thực chất công tác đánh giá chất lượng đảng viên, nhận xét, đánh giá cán bộ định kỳ, nhằm giúp cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm để tiến bộ; duy trì và thực hiện tốt việc giới thiệu, theo dõi  đảng viên tham gia sinh hoạt với cấp ủy và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân nơi cư trú theo Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

5- Nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng. Để đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt Đảng theo hướng vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng cường kỷ luật, kỷ cương; khắc phục tính hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ. Mỗi kỳ sinh hoạt phải được chuẩn bị kỹ; trước đó, bí thư, cấp ủy, thủ trưởng cơ quan cần thảo luận thống nhất về nội dung sinh hoạt; cần giữ lệ trước khi họp Đảng bộ phải họp Đảng ủy, trước khi họp Đảng ủy phải họp Ban Thường vụ. Nội dung sinh hoạt chi bộ phải cụ thể, thiết thực, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc xảy ra trong cơ quan, đơn vị. Gắn chặt nội dung sinh hoạt lệ kỳ với kết quả thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cấp ủy cấp trên cần có kế hoạch phân công cấp ủy viên, cán bộ các ban Đảng thường xuyên đến tham dự sinh hoạt ở một số chi bộ ở phòng, ban, sở, ngành để theo dõi, hướng dẫn, góp ý, nhằm đưa việc sinh hoạt chi bộ đi vào nền nếp và nâng chất lượng. 

6- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên. Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Quan điểm đó không chỉ đúng với toàn Đảng mà còn rất đúng với TCCSĐ. Làm tốt chức năng kiểm tra, giám sát là một nhiệm vụ quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, góp phần xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh. Cấp ủy cấp trên phải nắm chắc tình hình TCCSĐ nói chung, hoạt động của TCCSĐ cơ quan hành chính nói riêng, có phân công cấp ủy viên phụ trách, theo dõi, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ quy trách nhiệm. Tránh tình trạng chỉ đạo chung chung, không sâu sát với đặc điểm của từng loại hình TCCSĐ, từng cơ quan, đơn vị.

Bùi Bia

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN